Thứ sáu 26/04/2024 02:49

Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 5-4, tại trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm, Sở QH - KT Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND 13 quận, huyện tổ chức Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống, tỷ lệ 1/5.000 vừa được TP Hà Nội phê duyệt.
Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Các đại biểu tham dự Hội nghị công bố hai bản Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống.

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, cùng đại diện một số bộ, ngành Trung ương; sở, ban, ngành và 13 quận, huyện.

Trục không gian đặc trưng của đô thị trung tâm

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Phạm Quốc Tuyến đã công bố các quyết định của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.

Theo đó, để cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ), Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ), UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) tại Quyết định số 1046/QĐ-UBND thuộc các quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm - TP Hà Nội.

Theo định hướng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên 3 nguyên tắc chính như sau:

Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; Không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ); Không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội ký biên bản bàn giao hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 quận, huyện.

Đây cũng là trục không gian đặc trưng hành lang xanh với cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống khu vực ngoài đê, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp; cầu/hầm nối kết đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và TP. Hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa.

Quy hoạch là cơ sở pháp lý để thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng. Nội dung này có ý nghĩa hết sức thiết thực để ổn định đời sống Nhân dân khu vực ngoài đê, đáp ứng được mong mỏi nhiều năm nay.

Đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, đây là khu vực đặc thù, phải tuân thủ các yêu cầu của Luật Đê điều: Đoạn sông có hệ thống đê tiêu chuẩn cao để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt; tăng khả năng phân lũ của sông Hồng kết hợp cải tạo giao thông đường thủy để liên kết với mạng lưới vùng.

Bổ trợ cho cảnh quan trung tâm khu vực phía Bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ. Là khu vực có quỹ đất để khai thác phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, kết hợp cải tạo chỉnh trang, tái thiết làng xóm dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị. Là khu vực dự kiến phát triển hệ thống đường ven sông; cầu nối kết đô thị hai bên sông, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.

Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và lãnh đạo các quận, huyện.

Chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư khu vực ngoài đê

Tại hội nghị, Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nôi Lưu Quang Huy đã giới thiệu tóm tắt những nội dung chính của hai đồ án quy hoạch phân khu. Trong đó đáng chú ý là việc định hướng bảo tồn và di dời các khu dân cư hiện có ngoài đê sông Hồng.

Theo số liệu thống kê, trong phạm vi quy hoạch hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ), hai bên sông Đuống có khoảng 14.000 người (khoảng 3.808 hộ). Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg) và Văn bản số 4409/BNN-PCTT ngày 14-7-2021 của Bộ NN&PTNT; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông.

Tại các khu dân cư được tồn tại sẽ được bố trí quỹ đất 5% diện tích để phục vụ nhu cầu di dân, dãn dân, tái định cư tại chỗ. Việc chỉnh trang, tái thiết đô thị trên nguyên tắc ưu tiên các công trình hạ tầng xã hội, cây xanh vườn hoa, sân chơi thể dục thể thao, công cộng đô thị, thương mại dịch vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe (phục vụ dân cư khu vực, mật độ xây dựng thấp, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành).

Về hệ thống hạ tầng kỹ thuật được tính toán đến mạng lưới đường khu vực, các chỉ tiêu sử dụng đất về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình đến từng ô quy hoạch (tương đương các đơn vị ở hoặc nhóm ở độc lập); quá trình triển khai lập tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và dự án đầu tư xây dựng sẽ được tiếp tục cụ thể hoá theo quy trình quy định pháp luật có liên quan.

Về những lô đất chức năng được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng, bao gồm các loại đất: Công cộng đô thị; cây xanh và thể dục thể thao đô thị; trường trung học phổ thông; công cộng đơn vị ở; trường tiểu học, trung học cơ sở; trường mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo); cây xanh và thể dục thể thao đơn vị ở; nhóm nhà ở xây dựng mới; nhóm nhà ở hiện có (cải tạo chỉnh trang hoặc tái thiết); bãi đỗ xe; dịch vụ - làng nghề; cơ quan; di tích, tôn giáo; an ninh - quốc phòng; đầu mối hạ tầng kỹ thuật,...

Bảo tồn và cải tạo các hồ, ao có vai trò tiêu thoát nước và vệ sinh môi trường; quỹ đất trống (đất công) có kế hoạch sử dụng ưu tiên bố trí theo thứ tự: Sân chơi, vườn hoa, công trình sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe, trạm điện, điểm tập kết rác,… phục vụ cộng đồng dân cư khu vực, tổ chức không gian chuyển tiếp giữa khu mới và khu cũ, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững của khu vực dân cư.

Các khu vực đất nhóm nhà ở hiện có đã xuống cấp, phần đất ở còn lại sau khi mở đường theo quy hoạch và một số các khu vực đất ở trong khu vực nội đô lịch sử (các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng) khi tiến hành cải tạo có thể để xuất theo hướng cải tạo xây dựng mới, tái thiết đô thị để xây dựng công trình hoặc cụm công trình theo hướng giảm mật độ xây dựng, dành không gian trống cho sân, vườn, giao thông nội bộ,... cải thiện không gian sống cho người dân trong khu vực ngoài đê.

Về đất nhóm nhà ở xây dựng mới sẽ nhiên cứu bố trí tại khu vực bãi sông phù hợp (được phép xây dựng và được nghiên cứu xây dựng) theo hướng thuận dòng chảy và địa chất thủy văn của sông, mật độ xây dựng thấp, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối hài hòa, khai thác các chất liệu kiến trúc truyền thống và bền vững, gìn giữ giá trị văn hóa bản địa, đồng bộ về hạ tầng.

Quỹ đất này dành ưu tiên cho tái định cư phục vụ nhu cầu di dân GPMB khu vực dân cư hai bên sông và góp phần giảm áp lực cho khu vực nội đô lịch sử. Công trình thiết kế chịu lũ với tầng 1 theo hướng để trống hoặc sử dụng đỗ xe, sinh hoạt công cộng,… để thích ứng và giảm thiểu thiệt hại khi có lũ, tuân thủ Luật Đê điều, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở QH-KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã ký biên bản bàn giao hồ sơ quy hoạch cho lãnh đạo 13 quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.

Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu giao nhiệm vụ tại hội nghị.

Khẩn trương để khai quy hoạch vào thực tiễn

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là các đồ án quy hoạch quan trọng, được sự quan tâm của Nhân dân và các cấp, ngành; góp phần cơ bản hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu trên địa bàn TP. Để các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị nêu trên triển khai đi vào thực tiễn ngay, giao UBND TP giao Sở QH - KT kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ và quy định quản lý theo các đồ án quy hoạch phù hợp với nội dung những quyết định của UBND TP. Giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở QH - KT kiểm tra, xác nhận.

Chủ tịch UBND TP giao Sở NN&PTNT tổng hợp nội dung quy hoạch; phối hợp với chính quyền địa phương các quận, huyện để rà soát, xác định cụ thể danh mục những khu dân cư tập trung hiện có (phạm vi ranh giới đất và số hộ được tồn tại, bảo vệ…) tại Phương án phòng, chống lũ và đê điều sông Hồng liên quan để tích hợp, cập nhật vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP giao UBND 13 quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ… chuyển Sở NN&PTNT xác nhận phù hợp với Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thỏa thuận của Bộ NN&PTNT.

Tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để chỉnh trang đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.

Kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt.

Đặc biệt, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, kè, bờ sông, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật về đê điều, chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch.

Có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại, bảo vệ theo quy định; không để phát sinh thêm về diện tích đất ở, số hộ dân sinh sống ngoài đê, ngoài quy hoạch. Đồng thời rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực dòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và những hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm theo quy định.

“Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị nêu trên được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn, hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững” - Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống

Phối cảnh tổng thể Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Thay mặt lãnh đạo 13 quận, huyện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, hai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống tỷ lệ 1/5000 được phê duyệt đã đáp ứng mong mỏi của hơn 300.000 người dân và các tổ chức đang nằm trong khu vực có liên quan của 13 quận huyện nói riêng và TP Hà Nội nói chung.

Để thực hiện các quyết định của UBND TP Hà Nội phê duyệt hai quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, Hoàn Kiếm cũng như 12 quận huyện trong phạm vi 2 đồ án sẽ tổ chức thực hiện các nội dung được Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ, trong đó tập trung lập ngay bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 khu dân cư hiện có;

Lập quy hoạch chi tiết 1/500 với các khu dân cư được tồn tại làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép theo quy định; kiểm tra, xử lý trường hợp xây dựng sai phép; rà soát và điều chỉnh các chương trình, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn phù hợp với quy hoạch phân khu đã được duyệt…

Vũ Lê
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động