Thứ sáu 22/11/2024 07:20

Hà Nội: Chăm sóc sức khỏe toàn diện với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, cùng với việc đề ra các chỉ tiêu nhằm cải tiện sức khỏe người dân tộc thiểu số (DTTS), nhằm bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, TP Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo, bố trí kinh phí hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đồng bào DTTS.
Đồng bào DTTS được khám, tư vẫn sức khỏe miễn phí tại Phòng khám đa khoa Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Văn Biên
Đồng bào DTTS được khám, tư vẫn sức khỏe miễn phí tại Phòng khám đa khoa Yên Bình, huyện Thạch Thất. Ảnh: Văn Biên

Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo DTTS

Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, đồng bào các DTTS Thủ đô sinh sống tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng chủ yếu sống quần cư, tập trung tại 13 xã và 1 thôn ở 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, với dân số trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS trong toàn TP. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%, còn lại là các DTTS khác.

Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý nhằm triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn TP đảm bảo đồng bộ, thiết thực và hiệu quả.

Ông Nguyễn Nguyên Quân cho biết, Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nêu 10 dự án, riêng dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thì TP Hà Nội không thực hiện vì nội dung này, TP Hà Nội không có đối tượng. TP Hà Nội triển khai thực hiện 9 nội dung với tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng.

“Hà Nội là địa phương tự cân đối ngân sách, do vậy đã chủ động bố trí ngân sách TP để thực hiện. Đến nay, TP Hà Nội đã bố trí 1.172,065 tỷ đồng, trong đó 1.050,23 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho 95 dự án. Hiện, Hà Nội cơ bản đã hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Kế hoạch của TP Hà Nội. TP Hà Nội đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Quốc hội và TP Hà Nội vào năm 2025” - ông Nguyễn Nguyên Quân cho hay.

Thực hiện công tác giảm nghèo, TP Hà Nội ban hành quy định chuẩn nghèo đa chiều của TP, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả, năm 2022, vùng đồng bào DTTS và miền núi có 286 hộ nghèo, tỷ lệ 0,96%. Năm 2023, còn 202 hộ, tỷ lệ 0,72% (trong đó, hộ DTTS nghèo là 0,42%).

“Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo DTTS theo chuẩn nghèo của TP. Hiện nay, không còn tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào” - ông Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh.

Chú trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho đồng bào

Theo Ban Dân tộc TP Hà Nội, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND TP Hà Nội về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô đoạn 2021 - 2030 đã đề ra 9 nội dung để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội.

Trong số 9 nội dung để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Hà Nội, mục tiêu thứ 7 được đặt ra là: “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”. Cụ thể hóa mục tiêu này, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 221/KH - UBND, triển khai tại địa bàn 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, gồm 7 xã của huyện Ba Vì, 3 xã của huyện Thạch Thất, 2 xã thuộc huyện Quốc Oai, 1 xã thuộc huyện Mỹ Đức và 1 thôn thuộc huyện Chương Mỹ.

Dự án thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc có chất lượng, hiện đại về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mục tiêu đến năm 2025, dự án sẽ hỗ trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II và sinh viên ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm: Kỹ thuật, y học cho các huyện nghèo, khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án cũng đặt ra các nội dung thực hiện như tiến tới không có virus bại liệt hoang dại.

Phấn đấu 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với phụ nữ có thai, trên 95% được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ của thai kỳ, trên 99,9% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Đặc biệt chú trọng duy trì tỷ suất tử vong mẹ dưới 10 ca/100.000 trẻ đẻ sống; duy trì tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 4%.

Về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 3%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11,5%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 6,8%.

Phó Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, cùng với việc đề ra các chỉ tiêu nhằm cải tiện sức khỏe người DTTS, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, TP Hà Nội cũng quan tâm, chỉ đạo, bố trí kinh phí hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đồng bào DTTS. Điển hình là việc đầu tư nguồn nhân lực, vật lực cho các tuyến y tế có sở cả về y học lâm sàng và y học dự phòng, y học gia đình, bảo đảm 100% số xã DTTS đạt chuẩn về y tế xã theo tiêu chí mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn của ngành y tế.

Bên cạnh đó, hàng năm, TP Hà Nội cũng tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng DTTS.

"Việc đẩy mạnh chăm lo đời sống, sức khỏe cho bà con DTTS với nhiều hoạt động thiết thực, là một trong những cách thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái giữa đồng bào các dân tộc. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của các sở, ban, ngành của TP, đặc biệt là tấm lòng của các y, bác sĩ đối với cộng đồng DTTS và miền núi của Thủ đô" - ông Nguyễn Phúc Hải nhấn mạnh.

Phòng khám đa khoa khu vực Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) được TP Hà Nội đầu tư xây dựng theo mô hình bệnh viện thu nhỏ, chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 7/2018. Với cơ sở rộng hơn 4.400m2, phòng khám có 6 bác sĩ và một số y sĩ, điều dưỡng… Trung bình hàng tháng, phòng khám tổ chức khám chữa bệnh cho khoảng 1.000 - 1.500 bệnh nhân…

Từ khi đi vào hoạt động, phòng khám đã phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân một số xã trên địa bàn huyện Ba Vì như xã Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài…

Hà Nội: Chú trọng nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào DTTS
Hà Nội: Đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển nhanh, toàn diện, bền vững
Hà Nội: Điển hình tiên tiến, dẫn đầu trong nâng cao đời sống của đồng bào DTTS
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động