Thứ hai 25/11/2024 09:19

Hà Nội: Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu được tăng cường

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thực hiện Kế hoạch của UBND TP Hà Nội về đảm bảo an toàn thực phẩm tết Trung thu, các quận, huyện trên địa bàn TP đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.
Hà Nội: Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu được tăng cường
UBND TP yêu cầu việc thanh, kiểm tra tập trung vào mặt hàng bánh Trung thu

Tập trung kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu

Ngày 8/8/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Trung thu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022. Kế hoạch được triển khai từ ngày 15/8/2022 đến ngày 15/9/2022.

Tại Kế hoạch này, UBND TP Hà Nội yêu cầu việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.

Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP giao cho các sở, ban, ngành: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, CATP, Cục Quản lý thị trường căn cứ tình hình quản lý của ngành chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu, như: Bánh Trung thu, kẹo, rượu, bia, nước giải khát; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh Trung thu, nhân bánh Trung thu, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh Trung thu…

Riêng đối với lực lượng CATP và Cục Quản lý thị trường Hà Nội, UBND TP yêu cầu các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động phát hiện, điều tra làm rõ vụ việc có dấu hiệu vi phạm đối với các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu lưu thông trên địa bàn TP. Đặc biệt, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về ATTP, nhất là hàng giả, hàng nhập lậu, chú trọng nguồn gốc, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, nhãn mác sản phẩm, chuyển truy tố các vụ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Các quận, huyện, thị xã, căn cứ vào tình hình của địa phương chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP Tết Trung thu năm 2022 tại các xã, phường, thị trấn. Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn đã kiểm tra.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP Tết Trung thu năm 2022 tại địa phương và kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực thẩm đã được phân cấp trên địa xã, phường, thị trấn. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm đảm bảo ATTP với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Hà Nội: Các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu được tăng cường
Thời gian gần đây, lực lượng liên ngành trong quá trình kiểm tra đã phát hiện hơn 15 nghìn chiếc bánh trung thu "ngoại" không có hoá đơn, chứng từ (ảnh T.K)

Truyền thông nâng cao nhận thức cơ sở sản xuất, kinh doanh

Sau khi có chỉ đạo của UBND TP, nhiều quận, huyện đã xây dựng kế hoạch tăng cường đảm bảo ATTP trong dịp Tết Trung thu, trong đó các đơn vị tập trung thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về ATTP; tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, không đảm bảo chất lượng.

Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu thực hiện đúng các quy định của nhà nước về công tác ATTP. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức hậu kiểm, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn.

Tại huyện Hoài Đức, UBND huyện đã yêu cầu các cơ sở sản xuất bánh Trung thu tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất theo quy định hiện hành; bảo đảm điều kiện chung về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất; sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục hoặc vượt quá giới hạn cho phép; nguồn nước sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước sản xuất theo quy định; chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp phải được khám sức khỏe định kỳ theo quy định...

Đồng thời, yêu cầu các phòng, ban, ngành chức năng huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết trung thu.

Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm để đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu, quận đã tổ chức tập huấn các quy định về ATTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh bánh Trung Thu trên địa bàn phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo. Nội dung tập huấn tập trung vào việc phổ biến các văn bản chỉ đạo của TP và quận về việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP lĩnh vực Công thương dịp Tết Trung Thu năm 2022; quy định xử phạt hành chính về ATTP; quy định, điều kiện chung đảm bảo ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh bánh kẹo phục vụ dịp Tết Trung Thu 2022 và các văn bản hướng dẫn khác liên quan đến công tác đảm bảo ATTP.

Đối với quận Hà Đông, để đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, quận đã triển khai đồng bộ các hoạt động thanh, kiểm tra chất lượng các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu 2022. Ngành y tế quận phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 và UBND các phường đẩy mạnh triển khai hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng đó, kiện toàn đội cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác nhận nguyên nhân gây ngộ độc. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Trong kế hoạch đảm bảo ATTP của quận Ba Đình cũng nêu nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP của quận chỉ đạo đoàn kiểm tra quận tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời nhằm phát hiện ngăn chặn xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Phát hiện hàng chục nghìn chiếc bánh Trung thu "ngoại" không rõ nguồn gốc

Ngày 24/8, Đội QLTT số 13 đã phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết bánh trung thu do nước ngoài sản xuất tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện hơn 4.700 chiếc bánh trung thu các loại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua làm việc, chủ sở hữu số bánh trên cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh trung thu do nước ngoài sản xuất lớn nên đã thu mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Trước đó, ngày 15/8, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 24 - Cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo tại địa chỉ số nhà 46, thôn Chùa Tổng, Xã La Phù, Huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra tại cửa hàng đang bày bán hàng hóa là 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, do nước ngoài sản xuất, ước tính trị giá hàng hóa khoảng 27 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ hóa đơn, chứng từ nào chứng minh nguồn gốc của 10.800 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất này.

Theo lời khai của chủ cơ sở, gần Tết Trung thu nhu cầu tiêu thụ cao nên ông đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ.

Ham rẻ, nhiều người “bất chấp” mua bánh trung thu trôi nổi trên mạng
Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh Trung thu nhập lậu
Thu giữ hơn 4.700 chiếc bánh trung thu “trôi nổi”, không rõ nguồn gốc
Hàm lượng dinh dưỡng bên trong mỗi chiếc bánh Trung thu?
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động