Hà Nội: Bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHệ thống cây xanh đô thị Thủ đô đem lại không gian xanh, chống ồn, chống bụi, chống hiệu ứng nhà kính, mang lại môi trường trong lành cho Thủ đô. |
Duy trì cây xanh đô thị
Không thể phủ nhận, hệ thống cây xanh đô thị Thủ đô đem lại không gian xanh, chống ồn, chống bụi, chống hiệu ứng nhà kính, mang lại môi trường trong lành cho Thủ đô. Nhiều con đường, tuyến phố đã gắn bó với các loại cây như những biểu tượng đẹp, mang nhiều dấu ấn lịch sử như phố Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền…
Tuy vậy, cây xanh sống trong môi trường đô thị chịu tác động bởi nhiều yếu tố như: Không gian sống bị thu hẹp, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng; cây bị xâm hại, chặt rễ khi thi công làm đường, lát hè hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế,... dẫn đến nhiều cây phát triển nghiêng, lệch, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Ngoài ra, trong số các cây bóng mát trên địa bàn TP, có đến 20% đã có tuổi đời 80 - 100 năm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, hiện tượng đảo nhiệt và hút gió bởi bê tông, nhà cao tầng tạo ra những trận lốc xoáy rất khó lường, làm gãy, đổ cây.
Một số người dân bày tỏ: “Đô thị cũng nên trồng cây xanh để có cảnh quan, nhưng mà những cành lá chĩa ra đường nhiều quá thì nên cắt bỏ, khi mưa bão sắp đến thì có thể sẽ rơi rụng, gây mất an toàn cho người đi đường”.
Ông Đặng Văn Toại ở Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội cho biết, cây phượng trước số nhà 476 Hoàng Hoa Thám đã có dấu hiệu chết khô từ lâu, thậm chí có cành gãy, rơi xuống đường. Khá lâu sau khi người dân phản ánh, đơn vị chức năng mới thực hiện cắt tỉa. “Một cành của nó khô rồi gãy, rơi xuống đúng vào ô tô đi qua, chứ nếu mà rơi vào người đi xe máy thì chắc là ngã rồi. Tôi có báo lên tổ dân phố, tổ dân phố báo cáo lên trên, họ đến cưa những cành này. Cứ thường xuyên theo dõi, chăm sóc để không xảy ra sự cố nào đáng tiếc là tốt nhất”, ông Toại nói.
Nâng cao chất lượng quản lý
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Trong đó, cấp TP đang quản lý, duy trì khoảng 800.000 cây trên 761 tuyến đường, phố tại 12 quận và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên tỉnh, đại lộ và 5 công viên lớn. Số còn lại thuộc UBND cấp quận, huyện quản lý khoảng 366.000 cây trên các tuyến đường, ngõ, công viên, vườn hoa, trường học, cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khu di tích và trong các khu đô thị...
Một khó khăn nữa cũng cần nhắc đến, đó là lâu nay, cây xanh luôn là vấn đề nhạy cảm, nhận được sự quan tâm của dư luận. Điển hình như đề xuất của quận Đống Đa về việc di dời hàng cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh. Hay như việc di dời hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng cũng đã vấp phải nhiều phản đối, những ý kiến trái chiều chỉ lắng đi khi các hàng cây mới đang dần khoe sắc, tạo nên khung cảnh xanh mướt trên một trong những cung đường hiện đại bậc nhất của Thủ đô.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2023, qua việc rà soát, TP dự kiến cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ thấp độ cao khoảng 69.400 cây. Khu vực TP quản lý khoảng 199.500 cây; khu vực cấp huyện quản lý khoảng 148.500 cây.
Theo kế hoạch này, các cây ưu tiên cắt sửa là những cây có đường kính, chiều cao lớn, cây nặng tán, lệch tán, cành vươn, dễ bị gãy, đổ khi gặp mưa, bão. Trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột, cây có dấu hiệu bị xâm hại sẽ được xử lý ngay. Việc cắt tỉa cây bóng mát bảo đảm yêu cầu nâng cao vòm lá để bảo đảm tầm nhìn, an toàn giao thông; chỉnh hình tán cây bảo đảm cảnh quan; làm thưa tán, hạ độ cao các cây nặng tán, cây có nguy cơ gãy, đổ nhằm phòng, chống thiên tai.
Đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã lên kế hoạch, tập trung lực lượng cắt sửa cây nguy hiểm để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, thời gian hoàn thành trong quý II/2023. Khi vào mùa mưa bão, hệ thống cây bóng mát trên nhiều tuyến phố cơ bản được cắt tỉa nhẹ tán, thưa tán, làm thấp tán và hạ độ cao. Với các tuyến đường hệ thống cây chưa thực sự nặng tán, sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá và thực hiện trong quý III và quý IV/2023.
Ông Nguyễn Thanh Nam - Phó Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: “Từ quý IV năm 2022 đến hết quý I năm 2023, đơn vị đã cắt, sửa được trên 30.000 cây. Dự kiến đến hết quý II, bước vào mùa mưa bão, đơn vị sẽ triển khai cắt sửa được trên 50.000 cây. Ngoài ra, với các trường hợp cây chết, sâu mục nguy hiểm thì công ty cũng thường xuyên rà soát, phối hợp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Khi nhận được thông tin của người dân thì Cty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ cử ngay bộ phận phụ trách xuống địa bàn”.
Khi có phản ánh các vấn đề về cây xanh tại những tuyến đường giao thông nội đô, người dân có thể liên hệ với Cty Công viên cây xanh theo SĐT: 024 3976 4540. |
Hà Nội thay thế khoảng 1,7 triệu cây xanh có nguy cơ gãy đổ trước mùa mưa bão | |
Hà Nội: Giảm thiểu nỗi lo cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại