Thứ ba 14/05/2024 10:23

Hà Giang nên thơ và huyền bí - Kỳ 4: Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - nàng thơ “đốn tim” khách du hành

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hà Giang là vùng đất địa đầu Tổ quốc, không chỉ nổi tiếng với bạt ngàn hoa tam giác mạch mà còn là vùng đất trù phú của những ruộng bậc thang tuyệt mỹ làm say đắm lòng người.

Điểm nhấn trong bức tranh rực rỡ sắc màu đó, chính là ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đã được Bộ VHTT&DL chính thức cấp bằng công nhận Di tích quốc gia vào năm 2012. Trong Lễ hội Ruộng bậc thang năm 2015, Bộ VHTT&DL đã đưa danh thắng này vào danh mục xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ trung tâm TP Hà Giang đi dọc theo QL2 và tỉnh lộ 177 khoảng hơn 100km là tới huyện Hoàng Su Phì - vùng đất nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Địa hình Hoàng Su Phì bị chia cắt mạnh bởi hệ thống các dãy núi cao và trung bình, thấp dần về hướng sông Chảy và sông Bạc.

Những thửa ruộng bậc thang ở các xã Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên,... lần lượt hiện ra như những tấm lụa khổng lồ, rực rỡ sắc màu, mềm mại, uyển chuyển, đang tung bay trong gió.

Theo con số thống kê, Hoàng Su Phì có trên 3.600 ha ruộng bậc thang trải dài trên 25 xã, thị trấn. Trong đó, trên 760 ha ruộng bậc thang của 6 xã (chiếm 1/6 tổng diện tích ruộng bậc thang toàn huyện) được xếp hạng vùng danh thắng quốc gia.

Ở Hà Giang, hình thức canh tác lúa trên ruộng bậc thang chủ yếu là các huyện miền Tây của tỉnh. Đến nay, chưa có tài liệu chính thống nào xác định được ruộng bậc thang ra đời khi nào, do dân tộc nào sáng tạo ra nhưng theo các nhà khoa học, hình thức canh tác ruộng bậc thang xuất hiện ở Hoàng Su Phì khoảng ba trăm năm trước.

Đó là thời di thực của các tộc người: Dao, La Chí, Phù Lá, Tày, Nùng, Mông, Pu Péo... Tiền sử đã có những cuộc cách mạng phá núi, bạt đồi, phá đá khai khẩn ruộng bậc thang để trồng lúa, gieo ngô. Thời gian trôi đi, hàng triệu triệu mét khối đất, đá, hàng triệu con người với sức lao động bền bỉ đã tạo nên kỳ quan ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.

Điểm đặc biệt của những cánh đồng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là cao hơn, dốc hơn và chênh vênh hơn những vùng khác trong cả nước. Nhưng cũng nhờ sự khác biệt này, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì trở nên hùng vĩ hơn bất cứ nơi nào.

Đặc biệt, trong hệ thống Di tích quốc gia ruộng bậc thang của huyện Hoàng Su Phì, danh thắng ruộng bậc thang xã Nậm Ty có hình chữ S được xem là đẹp nhất. Nó không chỉ thể hiện kiến trúc tinh tế mà còn thể hiện niềm tự hào dân tộc.

NH 1
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín. ẢNH TƯ LIỆU

Mỗi mùa, những thửa ruộng bậc thang lại được khoác lên một tấm áo lung linh, huyền ảo khác nhau. Mùa nước đổ (từ tháng 3 đến tháng 5), những thửa ruộng bậc thang như những tác phẩm điêu khắc công phu được con người dày công gọt giũa.

Nếu nhìn từ trên cao xuống, du khách có thể cảm nhận được những thửa ruộng uốn lượn nối đuôi nhau từ dãy núi này sang dãy núi khác hòa quyện vào nhau như những đường vân đất mềm mại, uyển chuyển giữa không gian bao la của đất trời.

Những mái nhà tỏa khói trắng xóa, những dáng người nhỏ nhắn lom khom, cần mẫn lao động, những chú trâu hăng say đi những đường cày vội vã tạo thành nét chấm phá sinh động trong bức tranh trầm tư của buổi chiều tà.

Giữa không gian bao la, rộng lớn ấy thỉnh thoảng lại vang lên tiếng hát dịu êm, cùng với tiếng sáo bay bổng, tiếng cười nói trêu đùa của những chàng trai, cô gái tuổi xuân xanh,... Không rực rỡ, thướt tha như mùa lúa chín nhưng mùa nước đổ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì lại khiến con người cảm thấy lắng đọng tâm hồn, thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa, khát khao hơn bởi cảm nhận được sức sống, nghị lực vượt khó của những người dân lao động.

Đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt, họ đã tự mình bươn chải, tìm con đường sống trong chính tấc đất - tấc vàng. Nhìn gương mặt lạc quan, háo hức của đồng bào nơi đây mới cảm nhận được họ đã gửi hồn mình vào đất, vào núi rừng.

Cho dù có làm nhiều nghề khác nhau thì với đồng bào các dân tộc nơi đây, trồng lúa vẫn là nghề chính tạo ra cơm ăn, áo mặc, lại mang nét văn hóa truyền thống, đặc trưng của người dân Hoàng Su Phì.

Mùa lúa thì con gái, những thửa ruộng bậc thang được bao phủ lên một màu xanh mướt, tít tắp. Đẹp nhất là vào buổi sáng sớm, khi những làn mây lãng đãng len lỏi vào từng ngóc ngách của núi rừng, vờn lên từng lá lúa xanh non đang vươn mình trong gió, những giọt sương mai long lanh như hạt ngọc vương lại trên từng hốc lá, thân cây, lưu luyến chẳng muốn tan đi. Tất cả giúp du khách cảm nhận được không gian yên bình, tràn đầy sự sống nơi núi rừng trùng điệp.

Tháng 9, mùa lúa chín, ruộng bậc thang chuyển mình từ màu xanh tươi ngả sang màu vàng rực rỡ. Đây là mùa đẹp nhất của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì khi được ví như bức tranh thiên nhiên nên thơ và kỳ vĩ nhất.

Màu xanh tươi của núi rừng được bao phủ bởi màu vàng óng ả của lúa chín, đan với màu trắng tinh khôi của mây tạo nên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo đến mê hồn. Bức tranh trù phú ấy được điểm tô bởi nụ cười tỏa nắng của những người dân lao động khi cầm trên tay bông lúa mập mạp, thơm lừng.

Đôi mắt tươi vui của họ ánh lên niềm hạnh phúc, viên mãn về một mùa màng bội thu. Thế nên, chẳng ngoa khi ví vẻ đẹp rực rỡ của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì giống như một nàng thơ mang vẻ đẹp vừa kiêu sa, choáng ngợp, vừa gần gũi, dịu dàng mà đằm thắm, khiến lòng người, dù là khó tính nhất cũng trở nên xốn xang, rung động, yêu thương một cách cháy bỏng, để rồi khi chia tay sẽ lưu luyến, chẳng muốn rời.

(Còn nữa...)

Hồng Giang / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động