Thứ hai 09/09/2024 06:50

Gỏi cá – món ăn “lợi bất cập hại”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Món gỏi cá sống vốn được nhiều người yêu thích và trở thành một trong những thực đơn ở các nhà hàng trên mọi vùng miền. Tuy nhiên, món ăn này lại gây mối nguy hại ngộ độc thực phẩm, nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng… ảnh hưởng tới sức khỏe và có thể gây tử vong.

Gỏi cá nổi tiếng khắp mọi vùng miền

Gỏi cá được coi là món ăn nổi tiếng độc đáo, độc đáo trong ẩm thực ở một số vùng miền. Thậm chí, một số người còn “nghiện” món ăn này.

Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có món đặc sản là gỏi cá nhệch. Tuy một số nơi trong tỉnh cũng mở quán giới thiệu món ăn này nhưng gỏi cá nhệch ở Kim Sơn được coi là ngon nhất. Thịt cá Nhệch tươi được cắt thành lát có màu hồng giống màu thịt cá quả (cá chuối) đem trộn với thính cho thơm. Thính được làm bằng gạo nếp rang, giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Lấy da cá rán giòn để cuộn với gỏi. Xương cá giã nhuyễn để nấu dấm (có người gọi là nấu chẻo). Món dấm được pha chế với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu và sả băm nhỏ. Gỏi được ăn kèm với bánh đa vừng, cùng các loại lá như dấp cá, mùi tàu, sung, đinh lăng, mơ lông... Khi ăn, mỗi người tùy theo khẩu vị để cuốn gỏi.

Gỏi cá – món ăn “lợi bất cập hại”

Vùng Tây Bắc của Việt Nam có món đặc sản gỏi cá nhảy hay còn gọi là gỏi cá sống. Khi ăn, cá được khía nhanh vào bụng, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi gói vào các loại lá và gia vị ăn kèm.

Cá mè quả thường được chọn để làm món gỏi ở rất nhiều làng quê miền bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Thái Bình... Món gỏi cá mè chỉ dùng hai bên thăn cá. Hai thăn cá được nạng mỏng theo chiều vát cho to bản. Nước chấm gỏi được làm từ thịt con cá chép đực nặng khoảng 0,5 kg, cắt khúc, ướp riềng, nghệ, cà chua và bột ngọt, tiêu, hành, đun nhỏ lửa. Khi cá chín vớt ra vứt bỏ hết xương, đánh tơi toàn bộ thịt cá rồi nghiền nhỏ ra lọc qua chiếc rổ thưa, sau đó đổ vào xong đun lại cho sôi, nhắc xuống cho thêm lạc rang (đậu phộng) giã nhỏ trộn thành một thứ nước sền sệt màu vàng tươi có mùi thơm béo ngậy.

Khi tới Ninh Thuận, nhiều người nhắc tới món gỏi cá mai, một loại cá nhỏ trông hơi giống cá cơm, thịt trong veo và không có máu nên không tanh. Có hai loại gỏi cá mai: Gỏi khô và gỏi ướt. Gỏi cá mai ăn cùng các loại rau sống: xà lách, húng lủi, dấp cá, ngổ, ngò gai kèm với chuối chát, khế, dưa leo xắt mỏng. Khi ăn dùng bánh tráng mỏng gói ghém cá, rau gọn gàng vào thành cuốn, chấm nước chấm mà thưởng thức vị ngọt của cá tươi, vị béo của đậu phộng, vị đậm đà của nước chấm cùng vị tươi của các loại rau xanh.

Gỏi cá – món ăn “lợi bất cập hại”
Khi ăn các món không bảo đảm vệ sinh, nhẹ thì đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng phải nhập viện điều trị, có trường hợp bị tử vong


Gỏi cá trích là món ăn dân dã tại Phú Quốc. Nguyên liệu ăn kèm gồm có hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng và ngò rí... Tất cả trộn đều với cá trích cùng nước sốt chua. Điểm đặc biệt của gỏi cá trích là phần nước sốt không làm từ nước cốt chanh mà được trộn dấm nuôi bằng trái ổi chín, nêm thêm ít muối và đường để món ăn mang hương vị chua thanh và có mùi thơm dịu.

Nguy hiểm rình rập khi ăn gỏi cá

Theo một đầu bếp chuyên nghiệp cho biết, dù cẩn trọng đến mấy, cũng khó tránh được nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng giun, sán… từ dao, thớt, rau sống. Khi ăn các món không bảo đảm vệ sinh, nhẹ thì đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng phải nhập viện điều trị, có trường hợp bị tử vong. Vì thế, mọi người không nên coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cứ ăn cho “sướng cái miệng”, để rồi lại “khổ cái thân”.

Sán lá gan nhỏ (clonorchiasis) khá phổ biển ở các loại cá nước ngọt như cá chép, cá diếc, rô phi… Nó “định cư” và “làm việc” ở gan người, kiên nhẫn phục kích có khi tới vài tháng mới chịu tấn công nhẹ (rối loạn tiêu hoá). Loài sán này sống dai tới cả vài chục năm và đỉnh cao của nó là gây xơ gan, cổ trướng.

Một loại ấu trùng của giun anisakis simplex được tìm thấy nhiều ở cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, mực, bạch tuộc… Giun anisakis một khi vào được bụng người cũng chạy lung tung, có khi tới não và gây tử vong.

Gỏi cá – món ăn “lợi bất cập hại”
Mọi người không nên coi nhẹ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm

Khi chúng ta ăn gỏi cá vào bụng, các ký sinh này sẽ theo vào cơ thể và gây ra một số bệnh cho con người, trong đó có loài giun có tên khoa học là Gnathstoma spinigerum. Loài giun này sống trong đường tiêu hóa của chó mèo. Trứng do giun đẻ ra sẽ theo phân rơi xuống nước và phân tán đi khắp nơi.

Khi trứng nở thành ấu trùng, rồi bị các loại giáp xác nuốt vào bụng. Các sinh vật sống dưới nước như cá, ếch nhái, lươn và những loài trên cạn như gà vịt, ngan ngỗng ăn phải giáp xác, thịt chúng sẽ nhiễm ấu trùng. Sinh vật này chỉ bị tiêu diệt khi nước được nấu sôi trên 5 phút hoặc đông lạnh ở âm 20 độ C trong 3-5 ngày.

Khi ấu trùng giun vào cơ thể người, chúng sẽ di chuyển đến nhiều cơ quan chức năng trong cơ thể, nhất là mắt. Nhiều người đã bị loài giun này chui vào mắt làm cho mắt bị mờ, đỏ, đau nhức nhiều ngày liền, thị lực bị giảm 80%. Nếu bệnh nhân không kịp thời đi mổ để gắp giun ra sẽ bị hỏng mắt. Giun cũng có thể chui lên não bộ, khi đó sẽ nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh. Chính vì thế mà chúng ta không nên ăn gỏi cá để tránh những bệnh do giun Gnathstoma spinigerum mà trước khi ăn cần nấu chín thật kỹ.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động