Gỡ khó cho Công an cấp xã trong việc bảo mật dữ liệu dân cư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÝ kiến từ công an cơ sở cho thấy, việc triển khai về dữ liệu dân cư cũng còn những khó khăn nhất định. Ảnh: Khánh Huy |
Những khó khăn từ Công an cấp xã
Theo Thông tư số 59/2021/TT-BCA được Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 15/5/2021 quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 thì Trách nhiệm của Công an cấp xã gồm:
- Thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Nắm tình hình, thống kê, rà soát người đến độ tuổi được cấp Căn cước công dân; phối hợp với Công an cấp trên trong tổ chức thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân tại địa bàn.
- Tổ chức kiểm tra việc sử dụng thẻ Căn cước công dân trong phạm vi địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
Đến tháng 3/2022, Bộ Công an đã cấp mã số định danh cá nhân cho 100% công dân, triển khai thu nhận hơn 60 triệu hồ sơ cấp căn cước có gắn chíp điện tử, đã in và trả hơn 50 triệu thẻ đến tay người dân... Triển khai kết nối thử nghiệm thành công với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước, phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, ý kiến từ công an cơ sở cho thấy, việc triển khai về dữ liệu dân cư cũng còn những khó khăn nhất định.
Theo đó, do lượng công việc lớn, lực lượng mỏng, cán bộ Công an xã cùng một lúc kiêm nhiệm nhiều công tác nên chịu nhiều áp lực nên việc đáp ứng chỉ tiêu công tác gặp nhiều khó khăn; hệ thống trang thiết bị được trang cấp còn thiếu, chất lượng chưa cao cần trang bị thêm máy Dữ liệu dân cư, hiện Công an xã, Cảnh sát khu vực mới có 02 máy; mạng thường xuyên lỗi mà không được báo trước ảnh hưởng đến giải quyết công việc; cán bộ chưa được tập huấn chuyên sâu về thao tác trên máy, đa số tự tìm hiểu.
Đối với công tác đăng ký cư trú: dữ liệu dân cư hiện nay chưa thực sự hoàn chỉnh, phần mềm thường xuyên lỗi, không ký số được hoặc không in được phiếu xác minh; công dân hiện đang quen với sổ hộ khẩu giấy nên việc thu sổ hộ khẩu gặp nhiều khó khăn; giấy xác nhận cư trú thời hạn có hiệu lực quá ngắn…
Về công tác cấp tài khoản định danh định tử cũng còn nhiều khó khăn do phần mềm trong quá trình làm việc hay bị lỗi và mất đường truyền; công dân vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc đăng ký tài khoản định danh điện tử bởi tính đến hiện tại người dân chưa thấy được lợi ích của công tác này trong cuộc sống…
Công tác làm sạch dữ liệu, triển khai Đề án 06/CP: khó khăn trong việc xóa trùng thông tin công dân và làm sạch dữ liệu; đăng ký hồ sơ trên dịch vụ công khó thao tác nên công dân khó sử dụng để đăng ký, đường truyền phần mềm dịch vụ công còn chậm, đa số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú không đủ điều kiện…
Công an TP. Hà Nội cũng đã đề xuất một số nội dung liên quan để Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH có định hướng, giải pháp, tháo gỡ trong thời gian tới.
Quan tâm thường xuyên đến vấn đề an ninh, an toàn hệ thống thông tin
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an thì: Lực lượng Công an chính quy về xã, trực tiếp thực hiện thu thập dữ liệu công dân đã góp phần tạo ra kỳ tích trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy xã hội số, phát triển kinh tế số.
Chỉ trong hơn một năm, hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử đã được thực hiện với kết quả vượt ngoài mong đợi. Ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý dân cư vùng dịch và hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm chính xác, kịp thời.
Lực lượng Công an chính quy về xã, trực tiếp thực hiện thu thập dữ liệu công dân đã góp phần tạo ra kỳ tích trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đóng góp tích cực nâng cao hiệu quả quản trị xã hội. Ảnh: Khánh Huy. |
Biết được từ cơ sở có những khó khăn cần tháo gỡ, mới đây, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với các đồng chí Trưởng Công an cấp xã trên toàn quốc để trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực về cư trú, căn cước công dân, định danh điện tử, làm sạch dữ liệu thông tin dân cư và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
275 câu hỏi về các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đề xuất của 60 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về. Trong đó, dự báo những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh mạng và các hacker tấn công xâm nhập vào các máy trạm tại địa phương.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã đưa ra một số giải pháp trong công tác, nhất là việc Công an cơ sở phải quan tâm thường xuyên đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, bởi nguy cơ bị tấn công vào hệ thống dữ liệu là rất cao và rất dễ bị lộ thông tin, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã phân công nhiệm vụ cụ thể và công bố số điện thoại của Giám đốc, các Phó Giám đốc trung tâm, cán bộ chuyên đề theo từng nhóm lĩnh vực để theo dõi, hướng dẫn, tiếp nhận phản ánh về những khó khăn, vướng mắc để giải quyết ngay cho Công an các địa phương trên toàn quốc.
Đồng thời, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cũng kịp thời tiếp nhận các phản ánh những khó khăn, vướng mắc để giải quyết ngay cho Công an các địa phương trên toàn quốc, đặc biệt đối với lực lượng Công an cấp xã.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại