Giảm tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với cấp tỉnh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSửa đổi Khoản 1 Điều 21 tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh. Cụ thể, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi (theo quy định cũ, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi).
Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi (theo quy định cũ, tỷ lệ cho vay lại là 40% vốn vay ODA, vay ưu đãi).
Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương (trừ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), tỷ lệ cho vay lại là 70% vốn vay ODA, vay ưu đãi. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết: "Phần lớn các địa phương ở phía đông bắc còn khó khăn như Điện Biên, Lào Cai…Như vậy, địa phương có cơ hội tiếp cận vốn ODA nhiều hơn, tức là cái mức phải trả cho ngân sách trung ương thấp hơn".
Giảm tỷ lệ cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giúp giảm bớt gánh nặng trả nợ vay cho các địa phương. |
Bên cạnh đó, đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 41/NQ-CP sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 16 về bảo đảm tiền vay. Cụ thể, trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại DN và bằng 100% dư nợ của khoản vay lại trong trường hợp cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong quá trình thực hiện khoản vay lại, trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm tiền vay giảm thấp hơn so với mức quy định nêu trên, bên vay lại có trách nhiệm bổ sung tài sản đảm bảo tiền vay nhằm bảo đảm mức tối thiểu.
GS,TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, chia sẻ: "Các tài sản của họ là tài sản của nhà nước, không được thế chấp nên nguồn tài sản của họ khó khăn, nên đưa xuống 100% vốn vay thì chúng ta vẫn đảm bảo bảo toàn vốn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ làm thủ tục tiếp cận vốn ODA".
Nghị định 79/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-10-2021.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại