Giải quyết TTHC nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi cho người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênỦy quyền cho cán bộ tư pháp trực tiếp ký chứng thực giải quyết TTHC nhanh hơn |
Hà Nội tuyên truyền, triển khai Đề án được thực hiện bài bản
Từ ngày 1-7-2021, TP Hà Nội, TP HCM và Ðà Nẵng triển khai mô hình chính quyền đô thị với điểm nổi bật nhất là giảm bớt HÐND cấp cơ sở, nhằm hướng đến bộ máy quản lý hành chính Nhà nước tinh gọn, tự chủ, năng động.
Ngay sau khi có Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng TP tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12-4-2021 để triển khai thực hiện Đề án; ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND phường; hướng dẫn nội dung Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực.
UBND các quận và thị xã Sơn Tây đã ban hành quyết định chuyển toàn bộ 2.440 người là Chủ tịch, Phó Chủ tịch và công chức cấp phường sang công chức thuộc quận và thị xã quản lý. Đồng thời, ban hành quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường kể từ ngày 1-7-2021.
Điểm mới khi thực hiện chính quyền đô thị là Chủ tịch phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Chủ tịch phường thực hiện việc ủy quyền ký chứng thực. Người được ủy quyền là công chức tư pháp - hộ tịch phường có kinh nghiệm từ 3 năm công tác trở lên ở lĩnh vực tư pháp - hộ tịch (kể từ ngày được tuyển dụng vào công chức phường và giữ chức danh công chức tư pháp - hộ tịch, không bao gồm thời gian tập sự) và không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc thi hành kỷ luật.
Việc ủy quyền ký chứng thực không làm thay đổi hoặc chấm dứt thẩm quyền ký chứng thực của Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường theo quy định. Phạm vi ủy quyền: Ký chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Văn bản chứng thực của công chức tư pháp - hộ tịch phường ký thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND phường (TUQ.CHỦ TỊCH) được đóng dấu của UBND phường theo quy định.
Thời hạn ủy quyền, kể từ ngày ban hành quyết định ủy quyền nhưng không vượt quá thời gian thực hiện thí điểm được quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội (hết Quý IV năm 2023).
Giảm thời gian chờ đợi cho người dân
Theo đồng chí Tạ Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, để triển khai thực hiện tốt vấn đề này, UBND các phường trên địa bàn đã thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc ủy quyền ký chứng thực, giá trị của văn bản do công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực đến các tổ chức, người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, kiện toàn đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch các phường đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm.
Ông Đào Hiến Chương - Trưởng phòng Tư pháp thị xã Sơn Tây cho hay, sau thời gian thực hiện, cán bộ tư pháp nhiều phường cho rằng việc họ trực tiếp ký chứng thực đã góp phần giảm bớt quy trình nội bộ, giúp cho họ chủ động trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đồng thời, giúp cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND phường có thêm thời gian để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác, nhất là trong thời điểm cả hệ thống chính trị phải tập trung cho công tác phòng chống dịch hiện nay thì việc này lại càng trở nên rất có ý nghĩa.
Theo thống kê của Sở Tư pháp Hà Nội, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, tại cấp xã, phường, thị trấn đã thực hiện tổng số 3.056.609 bản chứng thực bản sao, 109.149 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản và 4.996 việc chứng thực hợp đồng, giao dịch. Với số lượng hồ sơ chứng thực tại nhiều nơi chiếm đến 80% hồ sơ hành chính được tiếp nhận ở các phường, đề xuất này của TP Hà Nội đang được kỳ vọng sẽ giúp cho việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Ông Phạm Thanh Cao - Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm việc ủy quyền này đã nhận được phản hồi tốt từ UBND một số phường. Có phường đã ủy quyền cho cả 2 cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, có phường ủy quyền cho 1 người trực tiếp ký chứng thực.
Theo Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội, hoạt động ủy quyền này thực sự cần thiết để góp phần giảm tải công việc cho lãnh đạo UBND phường, giúp họ dành thêm thời gian giải quyết những công việc khác mang tính chất cấp bách, quan trọng hơn. Song, cán bộ Tư pháp nhận ủy quyền sẽ vất vả hơn nhưng cũng giúp họ chủ động hơn, nâng cao tính trách nhiệm hơn, chuyên nghiệp hơn trong công việc. Điều quan trọng là việc ủy quyền góp phần đơn giản hóa quy trình, giúp giải quyết TTHC nhanh hơn, giảm đáng kể thời gian chờ đợi cho người dân. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại