Giải quyết chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự kiến trong năm 2023, TP sẽ có thêm trên 4,1 triệu m2 sàn nhà ở với 21.100 căn; 400 căn nhà ở xã hội; Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 28m2 sàn/người. Ảnh: Khánh Huy |
Diện tích nhà ở bình quân dự kiến đạt 28m2 sàn/người
Trên cơ sở Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng Hà Nội đã trình UBND TP phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030; triển khai các kế hoạch đã được UBND TP phê duyệt như: Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.
Giai đoạn 2010 - 2020, toàn TP đã hoàn thành xấp xỉ 50 triệu m2 sàn nhà ở. Dự báo, giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn Thủ đô sẽ cần khoảng 89 triệu m2 sàn. Trong đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44 triệu m2; giai đoạn 2021 - 2030 là 45 triệu m2. Với mục tiêu đề ra, dự báo nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn này cần khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung đa dạng loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau. Đồng thời, khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư (trừ dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tái định cư) để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng.
Các khu vực còn lại hạn chế phát triển nhà ở liền kề, thấp tầng, tăng tối đa nhà chung cư nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất; khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, kế hoạch cũng đề cập việc sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định (có phát sinh trong quá trình kiểm định) và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định...
Kiến nghị sửa đổi các quy định về xác định tiền sử dụng đất, thuê đất
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP có 219 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị đang triển khai theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, có 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tương ứng gần 41,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, 221.507 căn hộ; 48 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, tương ứng gần 2,9 triệu mét vuông sàn nhà ở, 3.900 căn hộ; 21 dự án nhà ở tái định cư với khoảng 817.700 mét vuông sàn nhà ở, 10.232 căn hộ và 10 dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nguồn cung sản phẩm bất động sản tại Hà Nội vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước. Dự án đầu tư mới được chấp thuận, chỉ một vài dự án đấu giá đất với quy mô nhỏ.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 17/2/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thừa nhận, do một số vướng mắc về pháp lý, đến giờ phút này, khả năng phát triển các dự án mới khó khăn vì vướng cơ chế đầu tư, đặc biệt là mô hình đầu tư, chỉ có hình thức là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở thương mại là khu đô thị mới. Song đấu giá thì đòi hỏi khoảng thời gian tương đối lớn, còn đấu thầu thì vướng trong thu hồi đất, nhất là các đối tượng chỉ nhận chuyển nhượng nên không thể thu hồi đất được.
Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về việc xác định tiền sử dụng đất, thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP như: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể đối với từng phương pháp định giá đất; Sửa đổi, bổ sung Thông tư Liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22/6/2016 tăng thời gian thẩm định phương án giá đất của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể…
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định đối với việc lập quy hoạch các loại hình khu chức năng để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; sửa đổi luật, nghị định về công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch; quy định về điều chỉnh quy hoạch, lấy ý kiến cộng đồng đối với nhiệm vụ quy hoạch…
UBND TP cũng kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Nhà ở bảo đảm có sự thống nhất về đối tượng, dự án thực hiện, bảo đảm trong quá trình thực hiện không có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc áp dụng giữa Luật Đất đai với các Luật: Đầu tư, Đấu thầu, Nhà ở. Đồng thời, kiến nghị xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan khi thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh bất động sản nói chung, dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng đối với toàn bộ quy trình thực hiện dự án...
Kịp thời giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% | |
Giải pháp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại