Giải pháp khám chữa bệnh chất lượng cao cho các bệnh nhân tuyến dưới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChiều 30-3, tại trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã diễn ra buổi hội chẩn từ xa cho 7 bệnh nhân từ 7 điểm cầu là các Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện bao gồm: BVĐK Mường Khương- Lào Cai, TTYT huyện Thanh Thuỷ- Phú Thọ, BVĐK Mộc Châu, BVĐK KV Tây Nam- Nghệ An, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, BVĐK KV Ngọc Lặc-Thanh Hoá, BVĐK Lộc Hà- Hà Tĩnh.
|
Tại buổi hội chẩn, 7 ca bệnh được xin ý kiến hội chẩn gồm 1 nam bệnh nhân 16 tuổi được chẩn đoán sơ bộ u xương sụn đùi phải; 1 bệnh nhân nam 57 tuổi được chẩn đoán xơ gan Child C, viêm phổi, tràn dịch màng phổi; 1 bệnh nhân nam 80 tuổi được chẩn đoán viêm gan cấp, viêm gan nhiễm độc; 1 bệnh nhi nam 3 tháng tuổi được chẩn đoán sơ bộ: Nhiễm trùng đường ruột, thiếu máu cộng tăng men gan CRNN+ HCV (+); 1 bệnh nhân nữ 6 tháng tuổi được chẩn đoán sơ bộ: TD Sốc nhiễm khuẩn – chưa loại trừ sốc giảm thể tích, đa chấn thương TD chấn thương bụng kín; Nam bệnh nhân 61 tuổi được chẩn đoán sơ bộ: Sốc tim/ suy tim độ IV/ stent mạch vành, suy thận cấp, đái tháo đường type II; bệnh nhân nữ 63 tuổi được chẩn đoán sơ bộ: Suy tim NYHA III, rung nhĩ, THA, phình động mạch chủ sau lóc tách động mạch chủ mãn tính.
Đây đều là các ca bệnh nặng, phức tạp mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị cho nên tại các buổi hội chẩn, tại điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội thường có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực nội, ngoại, nhi, hồi sức, huyết học, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh… để có thể sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ mọi nhu cầu của thầy thuốc tuyến dưới về các ca bệnh khác nhau.
Sau khi nghe các Bệnh viện cần hội chẩn báo cáo tình trạng, diễn biến, các thông số về lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân. Các bác sĩ và chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cùng nhau trao đổi, đưa ra những đánh giá, nhận định về ca bệnh cũng như cách xử lý, điều trị dựa trên các thông số lâm sàng và cận lâm sàng được cập nhật lên hệ thống hoặc cung cấp trực tiếp theo yêu cầu các chuyên gia hội chẩn. Cuối cùng, các bác sĩ, chuyên gia đã thống nhất đưa ra các phương án, phác đồ điều trị tiếp theo phù hợp cho từng bệnh nhân.
|
Theo PGS.TS Trần Ngọc Ánh, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các buổi hội chẩn từ xa- Telehealth của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện theo đúng mục tiêu hướng tới của Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 của Bộ Y tế là góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân. Các bệnh viện tuyến dưới nếu có vấn đề khúc mắc đều có thể trao đổi trực tiếp, như vậy sẽ tránh trường hợp bệnh nhân chuyển lên tuyến trên không cần thiết đồng thời giữa các bệnh viện các tuyến sẽ có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hiểu được những khó khăn để hỗ trợ lẫn nhau.
Cũng theo PGS. TS Trần Ngọc Ánh, ngành y là một ngành học rất dài, một bác sĩ khi ra trường vẫn phải không ngừng học hỏi. Tại các buổi hội chẩn từ xa có rất nhiều những ca lâm sàng, đây là một hình thức đào tạo trực tuyến lâm sàng rất tốt. “Dựa trên những ca lâm sàng thì chúng tôi sẽ phân tích việc chẩn đoán, xử trí của học viên có đúng hay là không?”, PGS. TS Trần Ngọc Ánh cho biết thêm.
Đối với các trường hợp chẩn đoán sai, chưa đúng, PGS. TS Ánh cho rằng các chuyên gia có thể đưa ra những góp ý về chuyên môn, qua đó cũng có thể hiểu được những khó khăn để có sự giúp đỡ, điều chỉnh cho phù hợp. Có thể nói, khám chữa bệnh từ xa đem lại hiệu quả không chỉ cho người bệnh, mà còn cho cả các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Qua đó, giúp cơ sở y tế tuyến dưới có những xử trí, đánh giá ban đầu chuẩn mực, cấp cứu ban đầu tốt hơn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại