Giai đoạn 2 đại án "chuyến bay giải cứu": 3 cựu Phó Giám đốc Sở và 14 bị can bị đề nghị truy tố
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn người trở về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu vào năm 2020. (Ảnh: VOV) |
Ngày 2/10, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an hoàn thành kết luận điều tra về vụ án "Nhận hối lộ; đưa hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và che giấu tội phạm" xảy ra tại Thái Nguyên và nhiều địa phương khác.
Đây là giai đoạn 2 của vụ án Cục Lãnh sự, được đánh giá có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận.
Hành vi của các bị can đã xâm phạm nghiêm trọng hoạt động của cơ quan nhà nước trong việc bảo hộ công dân, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân mắc kẹt trong đại dịch COVID-19 và cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Những sai phạm này không chỉ làm mất lòng tin của quần chúng Nhân dân mà còn gây cản trở quá trình điều tra của cơ quan chức năng.
Kết thúc giai đoạn 2 của vụ án, Cơ quan An ninh điều tra đã xác định đầy đủ căn cứ để đề nghị truy tố 17 bị can về 4 tội danh, gồm: "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Che giấu tội phạm".
Trong đó, bị can Trần Tùng (nguyên Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị đề nghị truy tố với hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
5 bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” gồm:
- Trần Thị Quyên (SN 1986, Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt);
- Lê Thị Phượng (SN 1969, nguyên Chuyên viên Phòng khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương);
- Nguyễn Văn Văn (SN 1965, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam);
- Lê Ngọc Tường (SN 1979, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam);
- Nguyễn Mạnh Trường (SN 1980, nguyên Chuyên viên Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải).
10 bị can bị đề nghị truy tố về hành vi “Đưa hối lộ” gồm:
- Vũ Hồng Quang (SN 1977, nguyên Phó Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải);
- Trần Thanh Nhã (SN 1991, trú tại TP Hồ Chí Minh);
- Vũ Hoàng Dũng (SN 1987, trú tại Hà Nội);
- Nguyễn Mạnh Cương (SN 1977, trưởng Phòng thương mại điện tử Công ty Cổ phần thương mại hàng không Vietjet);
- Đặng Nhật Đức (SN 1975, Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan);
- Bùi Đăng Khoa (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du ngoạn thế giới);
- Trương Thị Mỹ Dung (SN 1972, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ Du lịch Ánh Sao Thiên);
- Phạm Quốc Thắng (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH PNR);
- Trần Thị Ngân (SN 1984, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anna Travel);
- Trần Minh Phụng (SN 1970, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch và Xây dựng Gia Huy).
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can Nguyễn Xuân Thông (SN 1975, trú tại Hà Nội) về hành vi “Che giấu tội phạm”.
Chuyến bay giải cứu đưa người Việt Nam trở về quê hương. (Ảnh: VGP) |
Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội của các bị can. Trước đó, ngày 3/4/2023, cơ quan ANĐT đã ra kết luận điều tra giai đoạn 1 của vụ án và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 1) đề nghị truy tố 54 bị can. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, nhiều nội dung có dấu hiệu sai phạm tiếp tục được điều tra và làm rõ ở giai đoạn 2.
Ngày 12/4/2023, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra Quyết định phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết nguồn tin về tội phạm số 164/QĐ-ANĐT-P5 đối với các vấn đề tách ra để điều tra, xác minh, làm rõ ở Giai đoạn 2 vụ án.
Ngày 18/4/2023, Viện KSND Tối cao (Vụ 1) ra bản cáo trạng số 3813/CT-VKSTC-V1 đối với vụ án "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo hiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số Bộ, ngành, địa phương, truy tố 54 bị can trước pháp luật.
Trước đó, từ tháng 1/2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân về nước. Tuy nhiên, một số cá nhân đã lợi dụng chủ trương của Nhà nước để móc nối, nhận hối lộ, lạm dụng quyền hạn nhằm trục lợi trong quá trình triển khai các chuyến bay. Điều này đã gây thiệt hại lớn đến uy tín của các cơ quan nhà nước và lòng tin của nhân dân.
Việc đề nghị truy tố 17 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2 là biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm xử lý nghiêm minh hành vi sai phạm, bảo vệ uy tín của Nhà nước và khôi phục lòng tin của người dân. Đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với những cá nhân và tổ chức cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Đại diện VKSND chấp nhận kháng cáo, đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo | |
Tuyên án phúc thẩm các bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại