Thứ năm 18/04/2024 14:55

"Giải cứu" cho bé trai thoát khỏi cảnh... tiểu ngồi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi lần nhìn cậu con trai nhỏ đi tiểu trong tư thế ngồi do lỗ tiểu thấp, chị Đ. ở Hải Dương lại dấy lên nỗi thương cảm, xót xa. Sợ rằng khi lớn thêm chút nữa con ý thức được sự khác biệt này mà sinh mặc cảm nên chị Đ. đã cố gắng chờ đủ thời gian mới đưa con đi phẫu thuật được...
"Giải cứu" cho bé trai thoát khỏi cảnh... tiểu ngồi
Sau phẫu thuật, sức khỏe cháu bé tốt, không đau ở vết mổ (ảnh K.C)

Mãi đến đầu tháng 11 vừa qua, mẹ của bé V.D, 30 tháng tuổi ở Hải Dương mới thôi trăn trở bởi con đã bước vào cuộc phẫu thuật "sửa" dị tật thấp lỗ tiểu.

Chị Đ, chia sẻ, ngay từ khi sinh ra, bác sĩ sản khoa đã thông báo về tình trạng dị tật bộ phận sinh dục của con và tư vấn gia đình nên đưa bé đến cơ sở chuyên khoa tiết niệu nhi để khám và điều trị. Khi đưa con đến phòng khám khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương chị Đ. lại thất vọng ra về bởi bác sỹ đánh giá tình trạng dị tật của con ở thể nặng, lỗ tiểu ở gốc dương vật. Tuy nhiên, phải chờ đến khi bé 2 tuổi mới thực hiện phẫu thuật được.

“Vì lỗ tiểu của con ở gốc dương vật nên con không thể đi tiểu giống các bạn nam mà ngồi tiểu giống các bạn gái. Mỗi lần vệ sinh cho con, nhìn “em bé” của con bị cong, nhỏ, tôi lại thấy xót xa. Thương con, muốn con được phẫu thuật sớm, nhưng tôi hiểu không thể đốt cháy giai đoạn. Tôi mong muốn để con phẫu thuật xong mới cho đi học vì sợ con khác biệt với các bạn, sợ bạn bè trêu chọc, ảnh hưởng đến tâm lý của con” - chị Đ, chia sẻ.

Và chờ đợi thật lâu, đến đầu tháng 11-2021 vừa qua, ca phẫu thuật diễn ra thành công, lỗ tiểu của bé được trở về đúng vị trí. Sau mổ 1 tuần, tình hình sức khỏe của trẻ rất tốt, không bị đau ở vết mổ. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn khuyên nên cho bé nằm thẳng, hạn chế vận động và cần theo dõi thêm.

Theo ThS-BS. Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương, dị tật lỗ tiểu thấp là một bất thường về mặt giải phẫu của bộ phận sinh dục ở bé trai, bao gồm dương vật cong và lỗ tiểu nằm ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh quy đầu. Nguyên nhân chủ yếu do bất thường trong quá trình hình thành bào thai.

Đây là một dị tật không quá hiếm gặp, tỉ lệ mắc 1/300 trẻ nam. Trung bình mỗi năm, khoa Ngoại Tiết niệu thực hiện từ 200-250 ca phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp.

Lỗ tiểu thấp có thể dễ dàng quan sát được ngay sau khi sinh. Triệu chứng điển hình đầu tiên là lỗ tiểu của trẻ không nằm ở đỉnh dương vật mà nằm dọc theo mặt dưới của thân dương vật. Dựa vào vị trí của lỗ tiểu, có thể chia dị tật này thành ba thể (thuận tiện cho việc chỉ định và lựa chọn phẫu thuật):

Thể nhẹ: Vị trí lỗ tiểu nằm ở rãnh quy đầu

Thể trung bình: Vị trí lỗ tiểu nằm từ thân đến gốc dương vật

Thể nặng: Vị trí lỗ tiểu nằm từ bìu đến tầng sinh môn

Dị tật lỗ tiểu thấp tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể gây bất tiện đến các vấn đề liên quan sinh hoạt của trẻ. Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ nhiều hay ít phụ thuộc vào thể dị tật mà trẻ mắc phải.

ThS-BS. Lê Anh Dũng cho biết, chính vì những bất thường trong cấu tạo lỗ tiểu, tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà bị lệch xuống dưới hoặc ra sau. Nếu lỗ tiểu quá gần gốc dương vật, trẻ không đứng tiểu tiện được mà phải ngồi tiểu như con gái. Ngoài ra, có một số trường hợp hẹp lỗ tiểu, tia nước tiểu nhỏ, thời gian tiểu tiện của trẻ sẽ kéo dài. Đối với tật cong dương vật, nếu không can thiệp, việc sinh hoạt tình dục sau này sẽ gặp khó khăn khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành.

Nếu không can thiệp sớm, dị tật này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Trẻ có thể bị mặc cảm, tự ti vì điểm khác biệt của mình, trẻ dễ bị bạn bè trêu trọc, ngại giao tiếp, ngại đi tiểu... Ngoài ra, dị tật này có thể có các bệnh kèm ở vùng sinh dục như thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, bìu chẻ đôi, dương vật thấp so với bìu…

Dị tật lỗ tiểu thấp được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, có thể thực hiện khi trẻ 1 tuổi, nhưng phải phụ thuộc vào kích thước của dương vật. Nếu kích thước dương vật quá nhỏ sẽ không đủ vạt da để làm ống, quá trình phẫu thuật sẽ khó khăn hơn.

Phương pháp phẫu thuật là làm thẳng cho dương vật và đưa lỗ tiểu lên đỉnh quy đầu. Phẫu thuật được thực hiện là tạo hình niệu đạo “một thì” hay tạo hình niệu đạo “hai thì” tùy thuộc vào mức độ của dị tật. Phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp có nhiều công đoạn phức tạp, vì vậy, cha mẹ nên lựa chọn các cơ sở chuyên khoa về Ngoại Tiết niệu uy tín để hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này của trẻ-BS. Lê Anh Dũng khuyến cáo.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động