Giải “bùa” quy hoạch treo, luật có nhưng thực thi không dễ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội vẫn còn nhiều dự án treo ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Ảnh: K.H. |
Khốn khổ vì dự án treo
Theo quy hoạch phân khu ký hiệu N10 của UBND TP Hà Nội công bố vào thời điểm năm 2015 thì một phần diện tích đất của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thùy, Tổ 2, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội thuộc ô quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe. Tuy nhiên, năm 2020, UBND quận Long Biên tiến hành dự án đấu giá đất mang tên C14. Một lần nữa, một phần diện tích đất của gia đình ông nằm trong phạm vi thu hồi đất của dự án mới. Dự án chồng dự án, cuối cùng, sau khi bàn giao 55m2 đất cho bên GPMB gia đình ông không thể làm được giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với trên 100m2 đất còn lại, cho dù trong các văn bản trả lời từ phường đến quận đều khẳng định nguồn gốc đất của gia đình ông là đất ở.
Lý do khiến gia đình ông không làm được “sổ đỏ” vẫn là một phần diện tích đất nằm trong quy hoạch bãi đỗ xe. Ông Thùy không khỏi bức xúc, vì từ trước đến nay ông đâu biết có dự án bãi đỗ xe cắm ngay trên đất nhà mình, phía chính quyền không thông báo.
Làm việc với Trung tâm phát triển quỹ đất quận Long Biên, lãnh đạo ở đây khẳng định với PV đúng là có dự án bãi đỗ xe thật. Nhưng khó hiểu ở chỗ, dự án này lại bị bóp hẹp đến mức chỉ rộng chưa đến 30m2, nằm trên đất nhà ông Thùy và hộ hàng xóm liền kề. Với một diện tích đất bị bóp hẹp như vậy, chắc chắn không thể khả thi để thực hiện. Tuy nhiên, nó lại đang làm những hộ dân như gia đình ông Thùy gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Thường trực HĐND TP, sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND TP, gần 03 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND TP và kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, mặc dù UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp.
Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay cần tiếp tục được các cơ quan, đơn vị theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai dự án theo quy định gồm: Nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt.
Nhóm 287 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật đến thời điểm tháng 5/2021. Trên cơ sở kiểm tra trực tiếp thực địa và kết quả làm việc tại các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Mê Linh, Thường trực HĐND TP đã rà soát hồ sơ 04 dự án để chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan và kiến nghị UBND TP giải quyết, xử lý theo quy định.
Về nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này, nguyên nhân khách quan được Thường trực HĐND TP chỉ ra là quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB…
Tuy nhiên, còn có không ít nguyên nhân chủ quan, đó là việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của HĐND TP, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên. Cùng với đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư; việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt. Nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ...
Cách nào giải bài toán dự án treo trên đất nhà?
Luật sư Hoàng Văn Doãn, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, Khoản 8 Điều 49 Luật Đất đai 2013 sửa đổi bổ sung 2019 quy định, trong thời hạn 3 năm mà chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì phải điều chỉnh, hủy bỏ và công bố hủy bỏ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất. Để có thể được xóa dự án treo, người dân cần nộp đơn kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước đây đã phê duyệt quy hoạch đó để yêu cầu hủy bỏ dự án treo hoặc có phương án giải quyết hợp lý với đất quy hoạch treo này.
Luật rõ là vậy nhưng để cấp ra quyết định công bố dự án làm các thủ tục điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất không hề đơn giản. Chính vì vậy, trong công bố về thị trường bất động sản hàng quý, Bộ Xây dựng luôn kiến nghị tới Chính phủ và các địa phương về việc phải công bố minh bạch các dự án.
Về trách nhiệm của chính quyền các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ các quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.
Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định:”Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại