Gia tăng tình trạng F0 không khai báo khi điều trị ở nhà
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênViệc khai báo y tế là trách nhiệm của mỗi người |
F0 không khai báo
Thời điểm Covid-19 mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, việc truy vết và yêu cầu khai báo y tế (KBYT) đối với những người tiếp xúc với F0 không chỉ được chính quyền, y tế thực hiện mà còn có sự giám sát, chung tay của hầu hết mọi người dân. Câu chuyện nếu cá nhân không chủ động khai báo đã từng bị cả xã hội lên án. Đơn cử như vụ việc của F0 N.H.N (SN 1993, trú tại phố Trúc Bạch, Hoàn Kiếm), bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam. Việc khai báo không trung thực của N. ở thời điểm đó bị cả xã hội lên án, thậm chí người ta còn rất căng thẳng, thậm chí nhiều người còn yêu cầu phải xem xét trách nhiệm của N. Tiếp đó, sự việc của vợ chồng ông N.V.T (GĐ Cty Đầu tư Xây dựng số 2 – Hacinco) có dấu hiệu không khai báo lịch trình sau khi từ vùng dịch trở về, ngay lập tức, ông T. bị tạm đình chỉ chức vụ trong Đảng và chức vụ GĐ Cty. Đồng thời một lần nữa người dân tiếp tục yêu cầu xử lý hình sự sự vô trách nhiệm trên của vợ chồng ông T.
Còn nhớ, với nhiều người chuyện không khai báo hoặc gian dối trong khai báo y tế đã từng là một “tội tày đình”. Thế nhưng mới chỉ vài tháng sau, khi mà Hà Nội một ngày có tới 4, 5 nghìn ca mắc, với nhiều người việc khai báo với y tế địa phương lại là một việc mất thời gian và… “không giải quyết vấn đề”. Trên các hội nhóm trên zalo, facebook… vô vàn nhiều những bài đăng về câu chuyện nhà có người mắc Covid-19. Không ít lời kêu than về việc liên hệ với y tế cơ sở khó khăn, và thay bằng sự động viên, chỉ cách để người ta liên hệ nhiều người đã ráo hoảnh: “Đừng có chờ đợi từ y tế, cũng không cần phải khai báo cho mất thời gian. Cứ theo các bài thuốc trên mạng mà điều trị” – có tài khoản đã bình luận.
Chị N.T.B (Long Biên) cho biết, chị ngụ tại một chung cư, ở tầng nhà chị có tới 3 hộ trên tổng số 8 hộ có người mắc Covid-19. Số người mắc là 7, 8 bệnh nhân, nhỏ nhất 1 tuổi và lớn nhất là một phụ nữ hơn 60 tuổi. “Ban đầu, khi hộ gia đình đầu tiên có người mắc thì thấy có thông báo trên nhóm zalo của tầng, nhưng sau đó chỉ thông báo lấy lệ. Đến giờ tôi cũng không rõ số người mắc Covid-19 ở tầng là bao nhiêu nữa vì họ không thông báo nữa. Cũng không còn thấy Ban quản lý nhắc nhở, dán giấy hoặc căng dây như ban đầu. Có lúc còn thấy người đang thuộc diện F1 còn… lang thang ngoài hành lang. Và theo tôi được biết, trong số người mắc Covid-19 tại đây đã có gia đình còn không thông báo cho y tế phường” – chị B. cho biết. Còn chị N.T.T, công nhân của một cụm công nghiệp ở quận Long Biên, chị cho biết sau thời gian đầu căng thẳng về Covid, đến giờ công nhân chỗ chị không còn quá quan tâm đến việc xét nghiệm hoặc khai báo khi bị Covid nữa. Thậm chí, theo chị, còn có nhiều người biết mình đã nhiễm Covid nhưng do không có triệu chứng nên họ vẫn đi làm. Và tất nhiên họ không khai báo với y tế… Với nhiều người, sở dĩ họ không muốn KBYT mà chủ động tìm những bài thuốc hoặc tự theo dõi bản thân ở nhà vì hiện nay những phản ứng của y tế cơ sở có phần chậm chạp do trạm y tế phải xử lý quá nhiều công việc trong khi nguồn nhân lực hạn chế.
Phạt đến 20 triệu đồng nếu không khai báo y tế
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tuy đã được kiểm soát tốt nhưng vẫn đang gia tăng số ca nhiễm thì việc KBYT là trách nhiệm của mỗi người. Sự hợp tác trong KBYT đầy đủ của mỗi người dân là kênh thông tin kịp thời, hiệu quả để cơ quan chức năng có thể đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh ở nơi đó, nhằm đưa ra các giải pháp hiệu quả từ sớm, qua đó ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan rộng.
Đồng thời, việc không khai báo còn là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cũng khiến người dân bỏ qua quyền lợi của mình. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo Khoản 1 Điều 100 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong khi đó, theo Điểm a Khoản 1 Điều 20 của Thông tư 56/2017/TT-BYT, Giấy này do cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Trạm Y tế chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà. Sau đó, người lao động cần nộp Giấy này cho Trung tâm y tế huyện để cấp Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Bên cạnh đó, việc F0 điều trị tại nhà không khai báo y tế còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, Quyết định 219/QĐ-BYT, Covid-19 được liệt kê vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Trong đó, mức phạt với các hành vi không khai báo y tế, khai báo y tế gian dối được quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Người mắc Covid-19 che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời tình trạng bệnh với Trạm y tế nơi đang sinh sống sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với với thầy thuốc, nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng”. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại