Gia tăng nỗi lo vé máy bay tăng giá dịp nghỉ lễ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVé khứ hồi chuyến Hà Nội – Đà Lạt (đi ngày 27/4 về 1/5) có giá 27,4 triệu đồng cho gia đình 4 người. Trung bình 7 triệu đồng/người. Ảnh: Ngô Sơn |
Nhu cầu đi chơi dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5 tăng cao khiến giá vé máy bay cũng tăng nóng từng ngày, có chặng nội địa khứ hồi lên tới hơn 10 triệu đồng/vé.
Ngày 24/3, vé máy bay khứ hồi ngày đi 27/4 về 1/5 chặng Hà Nội – Quy Nhơn có mức giá gần 6 triệu đồng/ người, chặng Hà Nội – Nha Trang có giá khoảng 6 triệu đồng/người; chặng Hà Nội – Phú Quốc giờ không đẹp khoảng 5 triệu, giờ đẹp từ 7 -8 triệu/ người. Thậm chí, chiều đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines đang hiển thị giá vé hạng thương gia lên tới 13 triệu đồng, đắt hơn cả đợt cao điểm Tết Nguyên đán 2024 khi vé từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên 10 triệu đồng/chặng.
Thực tế cho thấy, thời điểm nghỉ Lễ 30/4 hầu hết đường bay tới các khu du lịch như Đà Nẵng, Huế... cũng trong tình trạng tương tự. Với hành trình Hà Nội - Đà Lạt giá vé máy bay ngày 27/4, Hãng hàng không VietJet Air cung cấp các chuyến bay với mức giá từ 5 triệu đồng/vé khứ hồi trong khi Vietnam Airlines là 7,4 triệu đồng/vé.
Từ 1/3/2024, quy định tăng trần giá vé máy bay chính thức có hiệu lực, đây được coi như phao cứu sinh của các hãng hàng không. Thế nhưng tình trạng chi phí mua vé máy bay tăng cao khiến người dân lưỡng lự về việc đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. Cùng với đó, điều này có thể tác động rất lớn tới ngành du lịch.
Theo lý giải của các hãng hàng không, dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Giai đoạn cao điểm như hè hay dịp Lễ 30/4, nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên cao.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá vé hàng không là do đội máy bay bị thiếu hụt. Theo thống kê của Cục Hàng không, đến nay đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 213 chiếc, giảm 18 chiếc so với năm 2023. Số lượng máy bay khai thác dao động từ 165-170 chiếc, giảm khoảng 40-50 chiếc so với bình quân năm 2023.
Vừa qua, nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney đã thông báo triệu hồi động cơ PW1100 để thực hiện kiểm tra, sửa chữa; ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên thế giới. Số lượng máy bay giảm do từ tháng 1/2024 đến nay đã có 50% trong số 42 máy bay A321 NEO của Vietnam Airlines và Vietjet phải dừng khai thác để kiểm tra động cơ theo chỉ dẫn của nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney. Số máy bay thuộc diện kiểm tra động cơ còn lại sẽ tiếp tục dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 khi đến kỳ kiểm tra.
Lý do thứ hai là các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways thực hiện việc tái cơ cấu đội máy bay nên đang giảm số lượng máy bay khai thác.
Thứ ba là việc các hãng hàng không Việt Nam tiến hành công tác bảo dưỡng định kỳ máy bay sau phục vụ giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024 và chuẩn bị tiếp theo trong công tác phục vụ cao điểm hè năm 2024 khiến đội bay hiện tại sụt giảm.
Các vấn đề kể trên được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội tàu bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024, 2025.
Để giảm thiểu đến mức tối đa những ảnh hưởng đối với hành khách, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, bổ sung tàu bay để đảm bảo và duy trì lực lượng vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5 và giai đoạn cao điểm hè sắp tới. Tình trạng chậm, hủy chuyến cần được hạn chế trong thời gian tới.
Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam cần hỗ trợ và khuyến khích các hãng hàng không tăng năng lực khai thác đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các hãng hàng không phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của người vận chuyển với hành khách theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, cùng công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định (nếu có), phải kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Mới đây, trong văn bản gửi Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các hãng hàng không không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, phải kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại