Ghế giám khảo các show truyền hình: Tính chuyên môn càng ngày càng ít
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông phù hợp cũng cố làm “tròn vai”
Có lần, để gây sự chú ý, đạo diễn Việt Tú liên tục “bóng gió” Lê Hoàng trên “ghế nóng”: “Anh Lê Hoàng nên xem lại nhạc cảm của mình”. Từ câu nói có phần hơi “phũ” đó người ta mới nhận thấy rằng: Đã lâu lắm, không mấy ai trong chúng ta đặt câu hỏi cho những người đóng vai trò “cầm cân nảy mực” trên các chương trình giải trí là: Anh nên xem lại chuyên môn của mình có phù hợp với chương trình không?
Mới đây, chương trình dành cho thiếu nhi từ 6 đến 14 tuổi mang tên “Vũ điệu tuổi xanh” gồm 18 cặp thí sinh đã chính thức ra mắt. Giám khảo của cuộc thi gồm: Diễn viên - MC Trấn Thành, biên đạo John Huy Trần và kiện tướng dancesport quốc tế - Nhã Khanh. Trấn Thành là người “ngoại đạo” trong bộ môn nhảy múa nhưng lại được mời ngồi vào vị trí “ghế nóng”. Trả lời thắc mắc này, MC thừa nhận mình không rành về kỹ thuật nhảy múa. Tuy nhiên anh rất rành rọt về các động tác trong bộ môn này vì đã trải qua hai mùa dẫn chương trình “Thử thách cùng bước nhảy”. Theo anh, không hẳn những người am hiểu chuyên môn mới làm giám khảo. Người “cầm cân nảy mực” là người có một góc nhìn nghệ thuật riêng và có những nhận định đúng đắn. Nam diễn viên tự tin khi bản thân có những yếu tố đó. Ngoài ra, anh nhận lời làm giám khảo vì vốn yêu thích nhảy và đặc biệt rất thích trẻ em.
Những trường hợp “ngoại đạo” nhưng được mời làm giám khảo như Trấn Thành không hiếm: Ví dụ như Tăng Thanh Hà được mời vào vị trí giám khảo cuộc thi nấu ăn Masterchef dù cô chỉ là người “biết ăn ngon”. Hay Hoa hậu Phạm Hương và MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên ngồi “ghế nóng” “Cười xuyên Việt” phiên bản nghệ sỹ; Xuân Lan, Việt Trinh làm giám khảo cuộc thi âm nhạc “Tôi là người chiến thắng”…
Đáng nói nhất phải là trường hợp cô bé Phương Mỹ Chi bất ngờ nhận lời làm giám khảo khách mời chương trình “Cùng nhau tỏa sáng”. Sự xuất hiện của Á quân “Giọng hát Việt” nhí không nhận được sự đồng tình của một số khán giả bởi Phương Mỹ Chi còn rất nhỏ so với các anh chị nghệ sĩ tham gia chương trình. Sự non kém về chuyên môn, kinh nghiệm biểu diễn sân khấu cũng là bất lợi để giọng ca nhí đưa ra đánh giá cho các phần thi trong chương trình. Thực tế, trong đêm thi được phát sóng, Phương Mỹ Chi chỉ đơn thuần dừng lại mức chia sẻ ý kiến yêu thích và cho điểm các tiết mục.
Hoa hậu Việt Nam là bậc thầy của... hài? Ảnh tư liệu
Đừng xem thường khán giả
Ban tổ chức chương trình “Cười xuyên Việt” từng đưa ra lời bào chữa cho việc mời giám khảo “hỗn hợp” mà không phù hợp tới chuyên môn của mình rằng: “Mỗi giám khảo sẽ đại diện cho một nhóm đối tượng khác nhau để đưa ra những nhận xét theo góc nhìn của nhóm đối tượng đó. MC Kỳ Duyên tuy không phải là diễn viên nhưng là người hoạt động trong lĩnh vực giải trí và am hiểu về diễn xuất. Hoa hậu Phạm Hương đại diện cho tầng lớp khán giả trẻ sẽ đưa ra những ý kiến từ góc nhìn của mình. Sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ ở các lĩnh vực khác nhau giúp khán giả có cái nhìn đa chiều về các tiết mục dự thi và cũng giúp các nghệ sỹ hoàn thiện mình hơn”.
Có lẽ, những người làm chương trình hiện nay đều mắc một thói quen chung: Là chỉ dựa trên quan điểm hút khách, câu view chứ không dựa trên tiêu chí đem đến những gì chất lượng nhất cho khán giả. Vì thế, ngồi ghế nóng phải là những nhân vật có nhiều sự chú ý trong thời điểm nhất định nào đó. Còn yếu tố chuyên môn thì không cần bàn tới.
Công chúng ngày nay không đơn giản chỉ là sắp cho “món” gì ăn “món” đấy nữa. Cái họ cần là “món ăn tinh thần” thực sự có chất lượng. Trình độ thẩm định của công chúng cũng tốt hơn lên. Họ biết ai là người phù hợp ngồi “ghế nóng”. Thay vì ngồi nghe những người không có chuyên môn nói lê thê dài dòng, họ có thể bỏ ngay theo dõi chương trình ấy.
Với người xem (cũng là người lắng nghe những nhận xét mang tính định hướng về mặt chuyên môn của giám khảo) họ kỳ vọng nhiều hơn ở sự thẳng thắn cũng như chuyên môn của các giám khảo trong mỗi chương trình. Ngay cả những giám khảo có chuyên môn nhưng nhận xét “hiền lành” và chưa bộc lộ cá tính cá nhân cũng không thể làm khán giả thấy thuyết phục. Tại chương trình “Tuyệt đỉnh tranh tài 2015” khi giám khảo Hồng Nhung ngồi “ghế nóng”, rất nhiều người đã hi vọng rằng chị sẽ chứng tỏ chuyên môn của mình. Đây là cuộc thi dành cho những ca sĩ chuyên nghiệp nên đòi hỏi yếu tố chuyên môn phải được đề cao. Những nhận xét thẳng thắn và đúng đắn không chỉ giúp ca sĩ trẻ nhận biết được khiếm khuyết của bản thân để phấn đấu cải thiện mà còn nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho công chúng đang theo dõi cuộc thi. Nhưng Hồng Nhung đã làm ngược lại. Chị chỉ khen và khen không ngớt. Ngay lập tức khán giả nhận ra đó là những “lời đường mật” để không làm mất lòng ai mà thôi, bởi chính công chúng đã phần nào hiểu được chất lượng thí sinh dự thi đã thực sự tốt hay chưa.
Chương trình truyền hình ngày một nở rộ, trong khi giám khảo phù hợp mỗi ngày mỗi vắng. Việc coi nhẹ sự hiểu biết cũng như nhận định của khán giả đã khiến các nhà sản xuất chăm chú tìm đến những nhân vật nhiều “ồn ào”, hay vừa “nổi” chứ không quan tâm đến chuyên môn của họ. Bởi thế các chương trình vẫn chưa đón nhận được nhiều lời khen từ khán giả.
Nam Dương
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại