Thứ ba 30/04/2024 08:34

Gen Z đi làm: thoải mái thể hiện cá tính, gắn bó không phải là lựa chọn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong vài năm trở lại đây, thị trường lao động được bổ sung thêm một lực lượng lao động trẻ được gọi bằng “biệt danh” là thế hệ gen Z. Những người gen Z có thừa năng lượng, thừa đam mê, thừa sự thông minh và cũng thừa luôn sự nổi loạn.
Gen Z đi làm: thoải mái thể hiện cá tính, gắn bó không phải là lựa chọn

Top 10 ngành/nghề yêu thích của sinh viên gen Z. Nguồn: Anphabe

Cần phải hiểu rằng, gen Z là thế hệ trưởng thành trong thời kỳ Đại suy thoái của kinh tế thế giới. Trong đó, không ít người chứng kiến cảnh gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều bạn trẻ gen Z quyết tâm xây dựng một nền tảng “tài chính lành mạnh”. Vì vậy, gen Z sẵn sàng làm việc ở bất kỳ vị trí nào mang lại cho họ sự an toàn, nguồn thu nhập vững chắc, ngay cả khi đó không phải là công việc mơ ước của họ lúc ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng họ cũng sẵn sàng rời đi khi có một cơ hội tốt hơn vì gen Z không ngại “nhảy việc”.

Lương quan trọng nhưng… môi trường làm việc quan trọng hơn

Một khảo sát gần nhất của Anphabe (đơn vị tư vấn về các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc) cho thấy 56% gen Z coi thu nhập đủ để sống thoải mái và tiết kiệm là yếu tố quan trọng nhất khi chọn công việc. Điều này thể hiện những người trẻ này không chỉ có nhu cầu cơ bản về cuộc sống mà còn thể hiện sự chủ động để có một nền tảng tài chính vững chắc ngay khi họ rời ghế nhà trường để lập nghiệp. Thế nên, doanh nghiệp nơi họ làm việc không chỉ là nơi để kiếm tiền mà đó còn phải là nền tảng thể hiện khát vọng “làm giàu” của gen Z.

Điều đó thể hiện rõ trong kết quả khảo sát khi mà 53% số người được hỏi, cho rằng sự ổn định trong công việc là một ưu tiên khi họ lựa chọn công việc. Nói rõ hơn, khái niệm sự ổn định của gen Z khác với sự ổn định của thế hệ 8x, 9x khi những người trẻ này ngoài việc mong muốn công việc cùng mức lương hấp dẫn thì họ còn quan tâm đến sự thăng tiến của cá nhân, gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp.

Đặc biệt, những lao động thuộc thế hệ Z luôn đặt ra tiêu chuẩn cao về môi trường làm việc khi họ có tư duy “sống cho bản thân”. Thế nên, 49% gen Z đặt mục tiêu được phát triển và đào tạo ngay tại doanh nghiệp họ làm việc. Họ không chỉ muốn được cung cấp công cụ và kiến thức để thực hiện công việc hiện tại mà còn muốn có cơ hội để học hỏi, phát triển kỹ năng mới và tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Thống kê từ một website tìm việc cho thấy mức lương trung bình mà gen Z mong muốn sau khi ra trường là 9 triệu đồng/tháng. Không chỉ yêu cầu về mức lương, 88% sinh viên khá giỏi đặt mục tiêu trở thành quản lý trong vòng 2-3 năm. Cùng với đó, những người trẻ này mong muốn mở rộng mối quan hệ, trải nghiệm thú vị, đa dạng, cân bằng công việc - cuộc sống...

Có thể thấy rằng, gen Z đang tìm kiếm môi trường làm việc mà ở đó không đơn thuần là đảm bảo tài chính mà còn phát triển bản thân. Họ mong muốn làm việc trong một môi trường mà những đóng góp của họ được trân trọng, ý tưởng của họ được lắng nghe, và cơ hội để họ nâng cao kỹ năng và kiến thức của mình luôn rộng mở.

Gen Z đi làm: thoải mái thể hiện cá tính, gắn bó không phải là lựa chọn

Gen Z có rất nhiều kỳ vọng khi bắt đầu đi làm. (Ảnh minh họa)

Những người trẻ đề cao công việc năng động, không chắc về gắn bó

Khi bước chân vào thị trường lao động, gen Z không chỉ đơn giản tìm kiếm một công việc mà là một sự nghiệp được sống với đam mê và thể hiện giá trị bản thân. Những thống kê cho thấy các ngành dịch vụ, đòi hỏi sự năng động như: ngành Ẩm thực, Nghỉ dưỡng, Dịch vụ tài chính, Bán lẻ/ Bán sỉ/ Thương mại, Công nghệ… đứng đầu trong danh sách các lĩnh vực ưa thích của gen Z.

Điều này không chỉ phản ánh sở thích cá nhân mà còn cho thấy những người trẻ đang có sự nhìn nhận đúng đắn về xu hướng của nền kinh tế thế giới trong tương lai gần. Nhiều gen Z không ưa thích công việc ngồi bàn giấy, gò bó về không gian và thời gian. Thay vào đó, họ thích sự năng động, ưa thích sáng tạo, mở rộng các mối quan hệ... trong môi trường tại nơi họ đang làm cũng như mở rộng ra thế giới bên ngoài.

Cần phải thừa nhận rằng nếu so với 8x và 9x thì thế hệ Z có thể nói là thế hệ với những người trẻ đa dạng. Gen Z lớn lên với sự bùng nổ về công nghệ. Họ có thể dễ dàng tương tác với những người ở khắp nơi trên thế giới và hoàn cảnh khác trực tuyến và chia sẻ ý tưởng, niềm tin và đam mê... Bởi vì sự đa dạng là điều rất bình thường đối với họ, họ khuyến khích và chào đón nó trong các quan hệ và nghề nghiệp của họ.

Những người trẻ này còn có lợi thế là tiếp thu nhanh và dễ thích nghi. Họ không đợi đến lúc đi làm mới học mà trang bị rất nhiều kỹ năng rồi mới tham gia thị trường lao động. Cần phải hiểu rằng, gen Z không xem công việc là tất cả mà là một phần của cuộc sống, và họ mong muốn tìm được sự hài hòa giữa đam mê nghề nghiệp và thời gian dành cho bản thân, gia đình và sở thích cá nhân.

Cuộc sống hiện đại và phát triển, kéo theo đó là nhiều người trẻ trong thế hệ này có điều kiện sống đủ đầy, họ có nhiều cơ hội nghề nghiệp và không đặt nặng về sự cống hiến bằng cách “vắt kiệt sức”. Điều này đối lập hoàn toàn với thế hệ 8x, 9x, khi mục tiêu đôi khi chỉ dừng ở chỗ có công ăn việc làm.

Nói như thế không có nghĩa thế hệ trẻ không chịu khổ, không chịu cống hiến… mà sự chịu cực khổ hay không còn tùy thuộc vào giá trị công việc, giá trị doanh nghiệp mang lại cho họ. Những gen Z luôn mong muốn được làm việc trong một môi trường win-win (cùng phát triển, cùng có lợi), họ không còn bị chi phối bởi tư tưởng “bào mòn nhân viên” của các doanh nghiệp thế hệ cũ.

Không chỉ vậy, những người trẻ không ngại thể hiện bản thân ngay chính tại nơi làm việc. Một khảo sát từ Adobe cho thấy gần 3/4 gen Z đi làm khi được khảo sát nói rằng họ hoàn toàn thoải mái trong việc “nhận xét” lại cấp trên. Và tỉ lệ này lên đến 90% người trả lời cho rằng họ thoải mái với việc nhận xét đồng nghiệp. Cũng có 90% cho biết họ thoải mái khi thảo luận về mức độ hài lòng hoặc không hài lòng của mình tại chỗ làm.

Có thể thấy rằng, những người trẻ luôn có thừa cá tính, có sự bứt phá, sáng tạo và không đặt nặng mà sẵn sàng phá vỡ các tiêu chuẩn truyền thống. Điều này là cá tính, là năng lực, là sự tự tin… nhưng nó cũng là sự nổi loạn khi đi cùng gen Z là sự nông nổi, thích gì làm đó, không có lề lối, không thích gò bó, suy nghĩ chưa sâu sát, thiếu kinh nghiệm...

Dù có những lợi thế điển hình của người trẻ, nhưng không phủ nhận nhược điểm lớn nhất của gen Z là “cả thèm chóng chán”, cái tôi cao trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Điều này dẫn đến văn hóa “thích thì nghỉ’, “đi làm không vì tiền nhưng ít tiền chưa chắc đã làm” khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu trong việc tuyển dụng cũng như thay đổi các chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân viên của mình.

Gen Z thay đổi thói quen tuyển dụng, gắn bó là điều xa xỉ

Có thể nói rằng, thị trường lao động hiện nay đã qua rồi thời làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều, những người trẻ luôn sẵn sàng làm từ 6h tối cho đến khuya và nhận nhiều công việc cùng lúc, miễn là phù hợp với lối sống cá nhân.

Như đã nói, gen Z không thích những công việc quá gò bó, mang nặng tính giáo điều… họ sẵn sàng làm thêm giờ miễn sao họ thấy vui và được trả công xứng đáng.

Một đặc tính chung của gen Z đó đều là những người trẻ rất linh hoạt và dễ thích nghi. Họ đã quen sống trong một thế giới luôn thay đổi, đặc biệt là trực tuyến. Vì vậy, họ luôn tìm kiếm sự thay đổi, có khả năng phục hồi cao. Họ không chỉ phản ứng với những thay đổi trong môi trường của họ mà còn xúi giục sự thay đổi khi họ thấy một phương pháp tốt hơn để thực hiện và hoàn thành một nhiệm vụ.

Thế nên, dù luôn yêu cầu một công việc tốt cùng môi trường năng động nhưng sự gắn bó là điều xa xỉ ở thế hệ gen Z. Nên dù công việc tại công ty đang tốt nhưng nhiều người trẻ vẫn chọn rời đi và thay đổi công việc khi thấy mình đã học hỏi được hết ở môi trường cũ hoặc khi nhận được những lời đề nghị với mức đãi ngộ tốt hơn, xứng đáng với năng lực tại thời điểm đó.

Có một môi trường tốt để phát triển năng lực là rất cần thiết với gen Z. Nhưng việc gen Z “nhảy việc” còn phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đưa ra đãi ngộ kém, mức lương nghèo nàn rồi bắt nhân viên trẻ phải làm việc hết mình, cống hiến thì khó giữ chân được người trẻ gắn bó với nghề.

Thống kê cho thấy, vào năm 2025, thế hệ gen Z chiếm 25% lực lượng lao động trong nền kinh tế. Vì thế, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải thay đổi thói quen tuyển dụng, thay đổi môi trường lao động cũng như chính sách làm việc… nếu muốn thu hút những người gen Z gắn bó và đồng hành với sự phát triển của nền kinh tế.

Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những đột phá quan trọng về chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là cơ chế mở rộng đối tượng, không chỉ giới hạn bằng cấp mà còn bao gồm những người có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tế… Đây là cơ hội vàng cho những thế hệ gen Z thể hiện tinh thần cống hiến và bứt phá, góp phần xây dựng Thủ đô “văn hiến-văn minh-hiện đại”.

Khoản 1, Điều 16 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ việc thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như sau:

a) Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định;

b) Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội;

c) Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô với chế độ đãi ngộ phù hợp do Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định.

Hà Nội: tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba với số lượng 40.000 đầu sách Hà Nội: tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba với số lượng 40.000 đầu sách
Giải vô địch Ngôi sao Yoga quốc tế 2024 thu hút hơn 150 vận động viên chuyên nghiệp Giải vô địch Ngôi sao Yoga quốc tế 2024 thu hút hơn 150 vận động viên chuyên nghiệp
Mộc Miên - Hải Yến
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động