Gắn kết cộng đồng từ mô hình “Cầu thang văn hóa”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhông gian “Cầu thang văn hóa” thu hút giới trẻ đến đọc sách, báo. Ảnh tư liệu |
Khởi xướng từ năm 1999, mô hình “Cầu thang văn hóa” đến nay đã nhân rộng tới nhiều địa điểm tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Đây là ý tưởng ban đầu của các cán bộ về hưu tại khu A3, tổ dân phố số 17, phường Nghĩa Tân với mong muốn xây dựng nếp sống dân cư, văn minh đô thị. Qua 23 năm, mô hình nhỏ nhưng mang ý nghĩa thiết thực, thu hút và vận động người dân tham gia. Các đầu sách báo được cập nhật hàng ngày, sắp xếp ngăn nắp đan xen các bảng thông tin thông báo quy định của khu dân cư. Ngoài sách, báo là hình ảnh hàng chục Bằng khen, Giấy khen từ các cấp được treo trang trọng, trở thành niềm tự hào của mỗi cư dân nơi đây.
Giữa cuộc sống xô bồ ngoài phố, giữa không gian chật hẹp bốn bức tường bê tông thì góc nhỏ thân thương tại khu tập thể nhà A3, tổ dân phố 17 phường Nghĩa Tân, mang tới cảm giác thanh bình, thư thái. Hình ảnh người già đến đọc sách, báo, các em nhỏ chăm chú với đầu truyện thiếu nhi đã trở nên thân thuộc, gần gũi. Đối với nhiều cư dân, không gian đọc sách, báo còn là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm, điều khác biệt so với cuộc sống phố phường “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”.
Để phát huy mô hình “Cầu thang văn hóa”, ngoài các quỹ vận động đóng góp hàng tháng thì các quy định rõ ràng về dọn dẹp vệ sinh, ngăn chặn quảng cáo, rao vặt trái phép, không tận đụng cầu thang làm điểm kinh doanh, để đồ cá nhân,… Trước đây, từng xảy ra tình trạng “cầu thang chung không ai khóc”, nơi đây thường bị tận dụng làm nơi để xe, tập kết rác thải,…Từ khi có “Cầu thang văn hóa”, người dân đã có ý thức tự giác, giữ gìn không gian sạch, đẹp.
Hiện nay, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025, đã đề cập đến việc xây dựng mô hình ở mỗi cơ quan, công sở, trường học, cộng đồng dân cư, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng các mô hình văn hóa tiêu biểu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, gắn với thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đồng thời phát huy năng lực tự tổ chức đời sống văn hóa ở thôn, tổ dân phố; xây dựng các mô hình câu lạc bộ văn hóa thể thao cơ sở.
Nét đẹp của mô hình “Cầu thang văn hóa” của tổ dân phố 17 tới nay đã lan tỏa tới nhiều phường, quận khác trên địa bàn Hà Nội. Nhiều mô hình được triển khai rộng khắp ở các tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn quận Cầu Giấy như các “Thư viện gia đình”, “Nhóm hộ gia đình tự quản”, “Cầu thang vệ sinh môi trường”… góp phần nâng cao phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại