“Gala Tết quê hương 2024” tiếp tục mang hơi ấm đến với hai chị em mồ côi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Lê Hoàng Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Tổ chức Chương trình "Gala Tết Quê hương 2024" thăm, tặng quà Tết cho hai chị em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại Tổ 2, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội |
Sưởi ấm hai phận đời
Sáng 22/1, căn nhà nhỏ hẹp, lạnh lẽo tại tổ 2, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng - nơi ở của hai chị em Phạm Thị Bích Ngọc và Vũ Tiến Đạt trở nên ấm cúng bởi được đón Ban tổ chức chương trình “Gala Tết quê hương 2024” đến thăm và tặng quà Tết.
Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lê Hoàng Anh, đại diện Ban tổ chức chia sẻ và trực tiếp trao quà cho hai chị em Bích Ngọc và Tiến Đạt.
Nhận món quà chứa nhiều tình cảm gồm bánh kẹo và tiền mặt từ Ban tổ chức chương trình “Gala Tết Quê hương 2024”, chị em Ngọc – Đạt và ông Ngô Phạm Kiểm, Bí thư Chi bộ tổ 2, phường Thanh Lương trân trọng cảm ơn sự sẻ chia quý giá, đậm ân tình mà chương trình dành tặng hai cháu. Phần quà vừa mang giá trị vật chất, vừa mang giá trị tinh thần này sẽ góp phần giúp các cháu đón một cái Tết ấm áp hơn.
Căn nhà tuềnh toàng của chị em Ngọc - Đạt chỉ có duy nhất một tấm ghế cũ chắp vá. Ở đó, ngoài bàn thờ của mẹ các em, thứ có giá trị duy nhất là thùng gạo, nhưng rất hiếm khi có gạo đầy.
Căn nhà tuềnh toàng của hai chị em mồ côi |
Chúng tôi đi qua mấy bậc cầu thang để lên gác xép – là nơi ăn, chốn ngủ của Đạt. Ở đó có tấm ván ghép cùng ngổn ngang chăn mỏng, quần áo cũ. Rồi, lại bò qua mấy nhịp cầu thang sắt nữa, chúng tôi tận mắt chứng kiến khu vực Ngọc nằm mỗi đêm – nơi ấy cũng hoang lạnh và xộc xệch với tấm bàn gãy, chỏng chơ chiếc đèn hỏng... Toàn bộ đồ đạc và căn nhà đều heo hắt như chính cảnh đời của hai chị em.
Theo lời ông Ngô Phạm Kiểm, hai chị em Ngọc - Đạt có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi mồ côi cả bố lẫn mẹ và đều mắc bệnh tâm thần. Mẹ của hai chị em khi còn sống cũng không bình thường, sống nhờ sự cưu mang, giúp đỡ của bà con chòm xóm. Khi mẹ mất đi, hai chị em bơ vơ, không nơi nương tựa. Ngọc có trợ cấp dành cho người tâm thần với mức 660.000 đồng/tháng nhưng Đạt thì mãi tận tháng 6/2023 mới được hưởng trợ cấp 660.000 đồng/tháng giống như chị gái.
“Từ ngày mẹ các cháu mất đi, chứng kiến cảnh nghèo khổ, mồ côi, bệnh tật của các cháu, tôi không đành lòng. Xuất phát từ tình thương, tôi đã đứng ra cùng khu phố cưu mang các cháu”, ông Kiểm cho hay.
Những niềm mong mỏi
Theo ông Kiểm, mỗi tháng hai chị em Ngọc – Đạt được chùa Thanh Lương cấp cho 10kg gạo. Với số tiền trợ cấp người tâm thần, mỗi ngày, tiêu chuẩn của mỗi em là 20.000 đồng tiền thức ăn. Ngoài ra, mỗi tháng hai em hết hơn 200.000 đồng tiền điện nước, hơn 200.000 đồng tiền văn phòng phẩm; 100.000 tiền nhờ người đi lấy thuốc tâm thần, chưa kể chi phí phát sinh hoặc tiền thuốc, tiền đi bệnh viện lúc ốm đau…. Toàn bộ số tiền thu và chi cho hai chị em, ông Kiểm đều ghi chép cẩn thận, chi tiết vào cuốn sổ nhỏ để đảm bảo công khai, minh bạch đến từng đồng.
Thùng gạo - thứ có giá trị nhất trong ngôi nhà của chị em Ngọc - Đạt |
“Đến nay, các cháu không bị đói vì nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong xã hội nhưng cuộc sống của các cháu quá khổ. Các cháu không ý thức được về cuộc sống, không có nhu cầu, không biết tương lai. Chỉ ăn và sống như vậy….”, ông Kiểm thở dài.
Theo lời Bí thư Chi bộ tổ 2, phường Thanh Lương thì, Ngọc biết tự vệ sinh cá nhân, biết cắm cơm nhưng lại không biết đi chợ nấu thức ăn. Do đó, chi bộ đã nhờ bà Đông (hàng xóm) nấu thức ăn hàng ngày cho hai chị em.
Ông Kiểm không giấu nỗi lo: “Bà Đông sống một mình, không con cái, vì thương hai chị em và được sự cậy nhờ của chòm xóm nên đã chục năm nay, hàng ngày bà đi chợ mua đồ rồi nấu thức ăn cho chị em Ngọc - Đạt. Chúng tôi lo, nếu sau này bà Đông không còn nữa, khoản nấu nướng cho hai chị em sẽ giải quyết như thế nào”.
Ngọc ngô nghê là vậy nhưng so với Đạt vẫn là khôn hơn. Sau thời gian dài phát bệnh, Đạt không biết gì. Cả ngày, em chỉ nằm trên chiếc giường ở gác xép tối tăm, ăn xong rồi ngủ, ngủ dậy rồi lại ăn. Đạt quanh năm không đánh răng, không tắm; lúc chưa có cơm mà đói, Đạt thường lấy mì tôm sống ra nhai rồi uống nước.
Chỉ vào căn nhà mốc meo, chắp vá của hai chị em Ngọc – Đạt, ông Kiểm kể: “Căn nhà trước đây dột nát lắm, được như vậy là do Tổ dân phố mới huy động được hơn 10 triệu đồng để sửa cho các cháu có chỗ nằm. Trước đó nữa, chúng tôi cũng phải hô hào tổng vệ sinh toàn bộ, nếu không thì người ngoài có vào cũng không thể nán lại được, dù chỉ 1 phút”.
Chia sẻ lí do tình nguyện đứng ra lo lắng cho hai chị em, ông ứa nước mắt cho biết: “Tất cả những việc tôi làm chỉ gói ghém trong từ “Thương”. Không máu mủ ruột rà, không quen biết nhưng vốn là cán bộ y tế về hưu, khi hay về bệnh của các cháu, tôi biết bệnh này phải uống thuốc đều đặn, không thể bỏ mặc. Bằng cái tâm của mình, mỗi tháng tôi trích lương hưu ít ỏi để ủng hộ các cháu 100.000 đồng, gọi là thêm thắt đồng rau, đồng mắm, đồng quà cho các cháu. Thấy tôi ủng hộ, bà con cũng sẵn sàng sẻ chia nên các cháu có nhiều đồ ăn hơn".
Ông Ngô Phạm Kiểm (phải)- Bí thư Chi bộ Tổ 2, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng nhiều năm nay trở thành người giám hộ, giúp đỡ hai chị em mồ côi. |
Điều may mắn với ông, đó là việc làm của ông với chị em Ngọc – Đạt được vợ con hết lòng ủng hộ. “Vợ con tôi có quần áo nào không mặc hoặc có đồ ăn vẫn nhờ tôi gửi xuống cho các cháu. Tôi làm việc giúp các cháu bằng cái tâm nên lòng luôn nhẹ nhỏm, thanh thản. Tôi còn sức khỏe ngày nào, còn giúp đỡ các cháu ngày đó”, ông cho biết.
Rồi ông kể lại: “Có lần đưa cháu Đạt đi khám bệnh, nghe hoàn cảnh của cháu, cô hộ lý không những giúp đỡ cháu nhiệt tình còn gửi các cháu 500.000 đồng. Lại lần khác, khi biết cuộc sống mồ côi, bệnh tật của các cháu, có một lái xe ôm không quen cũng đưa tôi 20.000 đồng, nói ủng hộ cho cháu…. Tất cả số tiền đó, tôi vô cùng trân trọng và đều ghi chép vào cuốn sổ của riêng các cháu”.
Nói về Tết Nguyên đán sắp tới, ông Kiểm cho hay: “Chúng tôi đặc biệt chăm lo cái Tết chu đáo cho hai chị em. Thông thường Tết đến, chúng tôi sẽ tính toán, chi tiền sắm Tết cho các cháu khoảng 1 triệu đồng, bao gồm tiền mua đồ lễ thắp hương. Về ăn uống, thịt thà, bánh mứt, bánh chưng… cũng đều có đầy đủ, được đến từ sự giúp đỡ của bà con chòm xóm, các tổ chức chính trị xã hội địa phương cũng như tiền được gửi đến qua các kênh từ thiện”.
Đề đạt nguyện vọng của mình, cũng là niềm mong mỏi của Chi bộ Tổ 2, phường Thanh Lương, ông Ngô Phạm Kiểm bộc bạch: “Thời gian tới, chúng tôi mong cháu Đạt được đón vào một trung tâm bảo trợ của Hà Nội, còn Ngọc sẽ được đón vào chùa Thanh Lương. Có như vậy, cuộc sống của các cháu mới ổn định và bớt khổ”.
Tết này, căn nhà của chị em Ngọc – Đạt đã ấm áp hơn bởi có sự sẻ chia của Chương trình “Gala Tết Quê hương 2024”. Ngoái nhìn nếp nhà đơn sơ, chúng tôi thấy Ngọc đang chắp tay trước bàn thờ mẹ, miệng nhoẻn nụ cười ngây ngô. Món quà của "Gala Tết Quê hương 2024" cùng tình cảm của Ban tổ chức Chương trình tuy nhỏ nhưng thực sự đã mang lại sinh khí ấm áp cho ngôi nhà và cho hai chị em.
Trước đó, ngày 20/1, nhằm giúp đỡ, động viên, góp phần chia sẻ khó khăn, tiếp thêm tinh thần cho các trường hợp yếu thế, Ban tổ chức Chương trình “Gala Tết quê hương 2024” đã đến thăm một số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tại những nơi đến thăm, Ban Tổ chức đã động viên, tặng quà và gửi lời chúc mừng năm mới đến các gia đình với mong mỏi, họ sẽ được đón cái Tết ấm áp hơn bởi sự sẻ chia, đồng cảm. |
Dạ tiệc âm nhạc đa màu sắc tại “Gala Tết Quê hương 2024” | |
Hé lộ nhiều điều thú vị về “Gala Tết Quê hương 2024” trước giờ ghi hình |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại