Thứ năm 09/05/2024 23:55

Ép người khác uống rượu, bia có bị xử phạt?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật hiện nay điều chỉnh hành vi kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng rượu, bia có thể bị xử lý hình sự hay không? Chuyên gia pháp lý đã đưa ra những lý giải…
Cảnh sát giao thông Hà Nội đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.	Ảnh: Bạch Dương
Cảnh sát giao thông Hà Nội đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ảnh: Bạch Dương

Thời gian qua, các quy định của pháp luật liên quan tới việc kiểm soát, điều chỉnh hành vi tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia đã được triển khai thực hiện thường xuyên, quyết liệt, nghiêm túc, được cộng đồng xã hội đánh giá cao. Theo báo cáo nhanh của Bộ Công an ngày 14/2, qua 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chủ yếu là điều khiển xe máy, ô tô), nộp Kho bạc Nhà nước 182,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số đối tượng đã có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của con người và gây mất trật tự an toàn giao thông.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại khoản 5 Điều 2, Chương I, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 nêu rõ tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

Riêng với hành vi kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng rượu bia, sau đó gây ồn ào, mất trật tự nơi đông người, ảnh hưởng giao thông công cộng, các mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7, Mục 1, Chương II, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi: sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi: tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác; lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các hành vi: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương; quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh…

“Một số trường hợp không chỉ dừng lại ở việc kích động, xúi giục, ép buộc người khác uống rượu bia, mà còn tự mình hoặc cùng người khác đồng thuận thực hiện hành vi gây ồn ào, mất trật tự an ninh nơi công cộng… thì lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xem xét củng cố hồ sơ để xử lý hình sự nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật”, luật sư Thái phân tích.

Cụ thể, truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 318, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt như sau: người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm. “Chỉ khi người tham gia giao thông tự giác nhận thức được hành vi sai trái và có kiến thức, phương pháp để tự điều chỉnh được hành vi của mình và được cộng đồng cổ vũ, giúp đỡ thì một thói quen mới sẽ dần hình thành - không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông”, luật sư Thái nhấn mạnh.

Hành động tuân thủ hay vi phạm pháp luật bắt nguồn từ ý thức và thực tế Tết này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong ý thức của phần lớn công dân trong vấn đề nồng độ cồn khi lái xe. Điều này vô cùng đáng mừng. Sự hiện diện của những chốt “thổi cồn” trong năm qua và đặc biệt suốt cái Tết Giáp Thìn chính là một thông điệp: lực lượng chức năng đã không coi việc kiểm soát nồng độ cồn là chiến dịch trong từng thời điểm mà thực hiện thường quy, thậm chí làm chặt hơn.

CSGT toàn quốc xử lý hơn 29.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn trong 7 ngày nghỉ Tết
CSGT Hà Nội xử lý gần 1.400 tài xế vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết
TP Hồ Chí Minh: Khởi tố nhóm chống đối kiểm tra nồng độ cồn
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động