Thứ sáu 29/03/2024 16:01

"Ép cân" bằng giảm tinh bột: Coi chừng lợi bất cập hại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều người chọn cách không ăn tinh bột, cắt giảm tinh bột trong bữa ăn với mục đích "ép cân". Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu hụt tinh bột kèo dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ cũng như gây nên tổn thương cho cơ thể.
Giảm cân bằng giảm tinh bột: Coi chừng lợi bất cập hại
Thiếu hụt tinh bột có thể khiến cơ thể choáng váng, mệt mỏi (ảnh minh hoạ)

Trải qua một đợt "ép cân" với liệu trình nhịn đói 3 ngày, chị H, 35 tuổi quyết tâm duy trì cân nặng bằng cách giảm tinh bột trong khẩu phần ăn hàng ngày. Theo đó, mỗi bữa chị H, chỉ ăn khoảng 1 thìa cơm nhỏ hoặc lúc nào ngon miệng, thèm ăn thì ăn nửa bát con. Và bù vào đó, chị H, tăng cường ăn canh, rau "có chất lượng" với nhiều thịt, xương hầm; đồng thời chị bổ sung thêm nhiều trái cây có đường cao.

Chị H, duy trì chế độ ăn này được một thời gian dài và cũng thành công trong việc giữ cân. Tuy nhiên, gần đây khi chị đi khám sức khoẻ tổng thể thì rất bất ngờ vì phát hiện bị rối loạn lypid máu (máu nhiễm mỡ), lượng đường tăng cao.

Theo PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia, quá trình khám bệnh TS đã gặp các trường hợp bệnh nhân ăn low-carb (ít tinh bột và nhiều protein từ thịt) kéo dài dẫn đến bị rối loạn lipid máu dù trước đây bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Hoặc có những bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa đường máu mặc dù nhịn cơm; người cao tuổi có thể tổn hại chức năng thận.

Hiện trên mạng có rất nhiều chế độ ăn giảm cân khác nhau như chế độ ăn low-carb, keto… Điểm giống nhau thường là giảm gluxit, tức là giảm tinh bột, giảm lượng carbohydrate đến mức tối đa. Tuy nhiên, chúng ta cần biết một điều bất cứ chế độ ăn nào gây mất cân bằng chất đường-đạm-gluxit về lâu dài đều ảnh hưởng đến sức khỏe.

TS. Bùi Thị Nhung cho biết, guxit đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột. Nó cũng là một chất rất cần thiết với não bộ vì bộ não sử dụng tới 25% chất bột đường của cơ thể. Vì thế, khi nhịn ăn chúng ta thường thấy choáng váng, mệt mỏi, lâu dần ảnh hưởng tới giấc ngủ, căng thẳng, stress. Việc kiêng ăn tinh bột cũng ảnh hưởng đến cơ vì cơ cũng sử dụng đường.

Ngoài ra, khi kiêng tinh bột, nhiều người có xu hướng sử dụng nhiều đạm hơn, điều này gây mất cân bằng giữa chất đạm-đường-chất béo, làm tổn thương hệ vi khuẩn đường ruột. Khi đó, có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc quá trình tiêu hóa không tốt thì sẽ giảm sức đề kháng của cơ thể vì kháng thể chủ yếu sinh ra từ đường ruột. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn, hấp thu chất dinh dưỡng. Các nghiên cứu trên thế giới đều chỉ ra rằng ăn quá nhiều chất đạm sẽ không tốt cho sức khỏe.

Theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng, ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ là nguyên nhân gây ra các bệnh chuyển hóa, tăng axít uric gây bệnh gout, rối loạn mỡ máu, thừa cân-béo phì cân đây là "cửa ngõ" của các bệnh không lây nhiễm khác (tim mạch, ung thư, chuyển hóa…).

Tổ chức Chống ung thư thế giới khuyến cáo mỗi người một ngày không nên ăn quá 70g thịt đỏ. Do đó, một người bình thường nên tiêu thụ trung bình 1,5kg thịt/tháng.

Chế độ ăn không cân bằng chắc chắc không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể và chắc chắn sẽ có tổn thương lâu dài. Việc cắt giảm gluxit mục đích để tăng tiêu hóa chất béo, từ đó giúp khống chế cân nặng đều không tốt cho cơ thể sẽ ảnh hưởng lâu dài.

Những vấn đề như rụng tóc hay rối loạn kinh nguyệt… chỉ là bước đầu, quan trọng là rối loạn chuyển hóa lipid máu, ảnh hưởng đến chức năng gan thận. Triglyceride, cholesterol máu cao về lâu dài có thể gây xơ vữa mạch, gây cao huyết áp, bệnh tim mạch phải đặt stent, gây đột quỵ…

Giảm cân bằng giảm tinh bột: Coi chừng lợi bất cập hại
Việc ăn quá nhiều đạm sẽ dẫn đến rối loạn lypid máu (ảnh minh hoạ)

TS. Nhung khuyến cáo, nguyên tắc giảm cân, điều trị béo phì là giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể bằng cách giảm năng lượng ăn vào thông qua kiểm soát chế độ ăn và tăng năng lượng tiêu hao thông qua chế độ vận động thể lực phù hợp và ngủ đủ thời gian.

Chú ý lựa chọn những loại thức ăn ít năng lượng thay vì nhịn đói, giảm các loại thức ăn nhiều năng lượng như thức ăn nhiều mỡ, các món ăn chiên, quay, xào, thịt mỡ, lòng, óc…; thức ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, mật ong, sữa đặc có đường, nước ngọt…

Cùng đó, tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, ít năng lượng để đủ no (rau, trái cây ít ngọt, cá, đậu phụ,…), sữa không béo, không đường là một loại thực phẩm tốt cho những người giảm cân. Đồng thời cần vận động thường xuyên, nguyên tắc là từ ít đến nhiều, từ nhẹ đến nặng, tập với cường độ tăng dần vào đầu buổi và giảm dần vào cuối buổi, không hạn chế uống nước khi tập.

Mỗi lần tập phải tiêu hao ít nhất 300kcal (chạy bộ liên tục 30-45 phút, đi bộ nhanh 60 phút…). Mỗi tuần nên tập tối thiểu 4-5 lần. Tập dưới 3 lần/tuần thường không mang lại hiệu quả tiêu bớt mỡ thừa ngược lại càng kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet năm 2018 cho thấy, những người ở độ tuổi trung niên thực hiện chế độ ăn low carb (ít tinh bột và nhiều protein từ thịt) có nguy cơ bị giảm tuổi thọ. Theo đó, những người tiếp nhận 50%-55% lượng calo từ carbohydrate trong chế độ ăn hàng ngày sống lâu hơn so với những người thực hiện chế độ ăn ít tinh bột giàu protein.

Tuổi thọ trung bình của những người ăn nhiều tinh bột hơn được kéo dài thêm 4 năm so với 1 năm của những người có chế độ ăn kiêng low-carb. Việc tiếp nhận ít hơn 40% tổng lượng calo từ tinh bột được coi là chế độ ăn low-carb, trong khi nhiều chế độ ăn kiêng khác cắt giảm tỷ lệ này xuống còn 20% hoặc ít hơn.

Việc sử dụng hoa quả thay cơm để giảm cân cũng cần có sự lựa chọn kỹ, các loại quả chín nhất là những loại quả có vị ngọt có hàm lượng đường cao, khi ăn nhiều thì các loại quả này cũng cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng khá lớn.

Ví dụ bạn ăn hai quả chuối tiêu loại 100g thì năng lượng cũng bằng ăn một bát cơm, ăn một quả na, một quả xoài loại 200 – 250g, ăn 300g mít, hoặc vải, nhãn, thì cũng tương đương với 1 bát cơm, cho nên nếu nhịn ăn cơm mà ăn nhiều các lọai quả ngọt này thì vẫn bị tăng cân là chuyện đương nhiên.

Nếu muốn không bị béo, hoặc muốn giảm cân, bạn nên ăn các loại quả có hàm lượng đường thấp như: dưa chuột, củ đậu, bưởi, thanh long, táo ta, lê, cam, quýt, trong đó dưa chuột và bưởi còn có tác dụng giảm béo, giảm lượng mỡ dư thừa trong máu.

Những tác hại nguy hiểm từ thuốc giảm cân
Uống cà phê giảm cân, một phụ nữ rơi vào hôn mê
Hiểu thêm về khoai lang - "thần dược" giảm cân hiệu quả
Vân Hà
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động