Đừng làm xấu Rap
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTác giả "Chị Cả" đưa ca từ phản cảm vào ca khúc Rap |
Từ ngữ phản cảm
Ca khúc đang gây phẫn nộ trong cộng đồng Rap cũng như làng nhạc Việt những ngày gần đây là Censored của tác giả có tên Chị Cả (tên thật là Đinh Thanh Tùng, sinh năm 1994), từng tham gia cuộc thi King Of Rap và nổi tiếng trong cộng đồng hip-hop/underground. Đây là ca khúc được sáng tác năm 2018. Đến nay, ca khúc được nhiều tài khoản sử dụng làm nhạc nền cho video đăng trên Tiktok. Đáng chú ý là ca khúc này có rất nhiều ca từ dung tục nói về quan hệ loạn luân giữa bố chồng - con dâu.
Trước sự phản ứng dữ dội từ phía dư luận, Chị Cả đã lên tiếng xin lỗi. Người này thừa nhận bản thân mình hiểu đây không phải sản phẩm phù hợp với đại chúng song cũng không ngờ đến một ngày nó lại thu hút sự quan tâm chú ý của mọi người đến vậy.
“Tôi xin lỗi vì đã không chọn lọc ngôn từ cẩn thận, kỹ càng, ý tứ lời lẽ cũng không rõ ràng dẫn đến việc mục đích ban đầu là châm biếm bị hiểu sai”, Chị Cả cho biết.
Cùng với việc lên tiếng xin lỗi, Chị Cả cho biết sẽ xóa/ẩn những bản nhạc ở thời điểm đó và đánh dấu bản quyền trên TikTok để bản Rap này không lan truyền rộng rãi nữa. Nam Rapper đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng tương tự với các ca khúc tiếp theo. Mặc dù vậy vẫn có nhiều video clip về ca khúc này đang trôi nổi trên kênh Youtube do một số người dùng mạng xã hội đăng tải và thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Ngoài ca khúc này, nhiều sản phẩm âm nhạc cũng bị công chúng chỉ trích là có ngôn từ phản cảm như MV Cypher nhà làm do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành, nói về việc tán tỉnh, quan hệ tình dục. Ca khúc “Mẩy thật mẩy” của BigDaddy có phần lời bị cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ; MV "Hâm nóng" của Emily; MV ”Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” của Phí Phương Anh cũng bị cho là có lời lẽ nhảm nhí, dung tục. Rapper Bình Gold với MV "Lái máy bay" có hình ảnh và ca từ phản cảm khiến phụ huynh nào cũng phải sốc và lo sợ nếu con họ xem được MV này và học theo.
Tháng 6-2021, nhóm Rap Nhà Làm đã chia sẻ một bản rap có tên Thích Ca Mâu Chí với nội dung "báng bổ" Phật giáo khi có những lời lẽ, hình ảnh xúc phạm nặng nề hình ảnh Đức Phật. Sau khoảng 4 tháng ra mắt, sản phẩm trên đã bị cộng đồng Phật tử tại Việt Nam phản đối và lên án gay gắt. Ngay trong tựa đề của ca khúc, các rapper nói trên đã đưa tên của Đức Phật ghép với tên của người thể hiện một cách xúc phạm.
Bên cạnh đó, hình ảnh minh họa cho sản phẩm này cũng khiến cộng đồng mạng phẫn nộ khi nhóm đã lấy một sự tích trong cuộc đời Đức Phật để chế lại theo hướng dung tục. Hình ảnh Đức Phật cũng bị lồng ghép với chân dung của một nam rapper của nhóm, thậm chí cho đeo chiếc xích vàng và đồng hồ vàng rất phản cảm. Cộng đồng mạng sau đó đã rất bức xúc và phản đối mạnh mẽ sản phẩm này, đòi nhóm Rap Nhà Làm phải xin lỗi.
MV "Thích Ca Mâu Chí" với nội dung báng bổ Phật giáo |
Ngoài xin lỗi, nam Rapper Chí của nhóm cũng cho biết đã xóa hoàn toàn bài nhạc gốc trên YouTube và các nền tảng nghe nhạc khác. Tuy nhiên anh cho biết vẫn còn những bản đăng lại khác đang "trôi nổi" trên mạng và hứa sẽ giải quyết gỡ bỏ các bản này trong thời gian sớm nhất để thể hiện trách nhiệm của mình trong sự việc.
Rapper Bình Gold sau khi bị công chúng chỉ trích đã phải lên tiếng xin lỗi và khẳng định đã sai khi theo đuổi đam mê một cách vượt giới hạn: "Xin lỗi nếu những thứ tôi làm ra mang lại những thứ không tích cực đến với mọi người".
Cho dù các tác giả như nhóm Rap Nhà Làm hay Chị Cả, Bình Gold đã lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn không thể xoa dịu sự bất bình của công chúng.
Đừng để chính tay mình phá hủy đi sự nghiệp
Về việc làng nhạc Việt có những ca khúc có ca từ dung tục, phản cảm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc: “Đừng biến nó thành vũ khí để thóa mạ lăng nhục nhau rồi đội lốt sản phẩm âm nhạc, bởi âm nhạc là phải đẹp”.
NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng ngán ngẩm: "Quá tồi tệ, ảnh hưởng sâu sắc đến một thế hệ mới. Đến bản thân chúng ta còn không nghe được những lời phản cảm. Những lời hát đó còn không bao giờ được phát ngôn bởi những người bình thường chúng ta nói chuyện với nhau ở quán cà phê, huống hồ là lên đại chúng, YouTube và các kênh truyền thông. Chúng ta không thể lường trước điều gì xảy ra ở những thế hệ tiếp theo".
Việc liệc tục xuất hiện các ca khúc phản cảm trên không gian mạng cho thấy việc kiểm duyệt, phát hành của các đơn vị chịu trách nhiệm chưa được làm đến nơi đến chốn. Tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội cũng là điều kiện để các sản phẩm này được chia sẻ nhiều hơn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, giới trẻ là đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất, thậm chí nhiều học sinh cấp 1 hiện nay cũng thường xuyên xem TikTok. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến giới trẻ, đặc biệt là những người thuộc độ tuổi chưa biết nhận thức đúng sai, dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức và hành động.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, để hạn chế những ca khúc dung tục, cần sự chung tay của nhiều bên. Đó là khán giả vừa lên án, cơ quan quản lý về văn hóa, biểu diễn nghệ thuật vừa vào cuộc và có biện pháp cứng rắn, răn đe, xử lý một cách triệt để, tất yếu phải xử phạt, cấm biểu diễn với những trường hợp đang gắn mác sản phẩm âm nhạc nhưng lan truyền nội dung phản cảm.
Ca từ phản cảm trong MV "Mẩy thật mẩy" của BigDaddy |
Âm nhạc là nơi gieo trồng, lan tỏa những giá trị nhân văn tích cực cho mọi người, hướng đến một xã hội văn minh, nhân ái. Ngoài giai điệu thì ca từ có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc chuyển tải thông điệp, là cơ sở để đánh giá một tác phẩm "chất" hay không cũng như gu, tài năng âm nhạc của người sáng tác. Thế nhưng, nhiều người lại dùng ca từ phản cảm để sáng tác âm nhạc mà không biết rằng hành động đó không khác gì đang xúc phạm âm nhạc, xúc phạm khán giả và xúc phạm chính sự đam mê âm nhạc của họ.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng, xử lý các ca khúc cũng như chủ nhân của những sản phẩm phản cảm này. Cần có hình phạt thích đáng đối với những trường hợp như trên để làm gương cho những người khác.
Ai cũng muốn "đứa con" của mình sinh ra được yêu thương và trở nên ý nghĩa. Thế nên, trước khi các tác giả đặt bút sáng tác các ca khúc, cần lắm sự nghiêm túc và nghĩ đến những điều tích cực mà ca khúc sẽ mang lại cho người nghe. Cho dù dòng nhạc Rap có phóng khoáng, không gò bó đến đâu thì nó cũng phải nằm trong khuôn khổ của sự văn minh chứ không phải là những ngôn từ phản cảm chỉ nhằm gây sốc, tạo chú ý. Các ca khúc có chủ đề gai góc càng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để ca khúc vẫn toát lên ý đồ tích cực của tác giả mà không làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận của khán giả.
Không hề dễ dàng để Rap đến gần với công chúng, trở thành món ăn tinh thần, là nơi để gửi niềm vui, trút nỗi buồn cho khán giả nên các tác giả yêu Rap, muốn gắn bó với Rap đừng dùng thái độ dễ dãi, bông đùa phản cảm trong sáng tạo bởi những điều ấy chỉ làm cho sự nghiệp của mình trở nên rẻ rúng và khi khán giả đã quay lưng lại thì đồng nghĩa sự nghiệp sẽ chấm hết.
Chính tay mình lại phá hủy đi tài năng và sự nghiệp của mình thì thật quá đáng tiếc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại