Thứ năm 25/04/2024 05:58
Từ những vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua:

Đừng hô khẩu hiệu nhiều...

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em khi liên tiếp xảy ra nhiều sự việc bạo hành nghiêm trọng trong thời gian qua, cũng như cơ chế bảo vệ trẻ có bố mẹ ly hôn, sống cùng người tình của bố hoặc mẹ.
Đừng hô khẩu hiệu nhiều...
Nhiều bậc cha mẹ coi thường pháp luật khi ngang nhiên tước đoạt các quyền cơ bản của con em mình

Trẻ em đều được pháp luật bảo vệ

Việt Nam tham gia Công ước về quyền trẻ em từ rất sớm và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được đặc biệt nhấn mạnh trong Công ước để các quốc gia thành viên chuyển hóa vào nội luật. Trong nhóm 25 quyền của trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em năm 2016 thì quyền sống là quyền được đề cập đến đầu tiên ở Điều 12.

Lý giải một cách cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, quyền trẻ em được phân chia thành 4 nhóm, bao gồm: Quyền được sống còn; Quyền được phát triển; Quyền được bảo vệ; Quyền được tham gia. Tất cả các nhóm quyền này của trẻ em đều được pháp luật bảo vệ trước mọi hành vi xâm hại, tước đoạt, ngăn cấm…

Trong các hoạt động bảo vệ trẻ em những năm gần đây, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tập trung vào hỗ trợ nhóm quyền được sống còn (là quyền của trẻ em được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời) và quyền phát triển (là những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hòa.

Sở dĩ hai nhóm quyền này được tập trung hỗ trợ vì do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như thiên tai, bão lũ tại miền Trung, trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước trở thành một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Mặt khác, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Trẻ em thường bị xâm hại trong chính những môi trường quen thuộc như: gia đình, trường học…

Cần sớm bổ sung một số chế tài về bảo vệ trẻ em

Nhiều chuyên gia pháp lý đã bày tỏ lo lắng về việc thời gian qua nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành, người thân lạm dụng, tước đoạt quyền sống rất đau lòng, gây bức xúc lớn trong xã hội, nên cần bảo đảm môi trường gia đình an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển hài hòa.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhấn mạnh: “Thời gian gần đây nhiều vụ án về bạo hành trẻ em xảy ra khiến dư luận xã hội bức xức, đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc “bình thường”.

Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ty hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác”.

Luật sư Nguyên kiến nghị cần thiết phải sớm có một mạng lưới đội ngũ cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng làm nhiệm vụ tư vấn, phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn sớm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát, sớm kiện toàn hệ thống tư pháp cho phù hợp với trẻ em. Theo luật sư Nguyên, hệ thống “Tư pháp người chưa thành niên”, “Tòa án thân thiện với trẻ em” chưa được kiện toàn, trong khi chúng ta thiếu vắng cơ chế giám sát độc lập việc thực thi quyền trẻ em để đảm bảo sự khách quan, minh bạch như Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (CRC) đã quy định.

“Tôi cho rằng, cần sớm bổ sung một số chế tài về bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh và khả năng răn đe của hệ thống tư pháp”, luật sư Nguyên cho biết.

Nói về giải pháp, luật sư Nguyên cho rằng cần phải làm tốt khâu phòng ngừa. “Việc này đã được quy đinh tại Điều 47, 48 của Luật Trẻ em 2016 nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện được tốt. Hầu hết vụ việc khi phát hiện được thì em bé đã bị xâm hại, tử vong. Lúc đó, dù cho có nói lời thương cảm, đến thăm viếng thì cũng không thể cứu vãn được nữa.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 có quy định 17 cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ. Tuy nhiên, luật sư Nguyên cho rằng ngay tại các cơ quan được giao nhiệm vụ còn thiếu vắng người có kỹ năng làm việc với trẻ, có đạo đức công vụ và có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Do vậy, theo tôi, cần sớm điều chỉnh cơ chế thực hiện cho phù hợp và hiệu quả hơn. Chúng ta cần phải hành động ngay để giảm thiểu sự cồng kềnh của bộ máy kém hiệu quả, đừng nên vẽ ra nhiều hội, đoàn, ban bệ và hô khẩu hiệu nhiều mà không hành động thực tiễn”, luật sư Nguyên nói.

Với hàng loạt vụ việc xâm hại tước đoạt mạng sống trẻ em diễn ra gần đây, quan điểm của nhiều luật sư cho rằng mọi hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được sống cần phải bị xử lý nghiêm minh nhất. “Vì trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ. Sát hại trẻ em là tội ác lớn nhất và không có điều gì có thể để bao biện cho hành vi không còn tính người như vậy”, luật sư Nguyên cho biết.

Trách nhiệm người mẹ đối với con đẻ còn nghiêm trọng hơn so với người tình

Trong vụ án bé gái 3 tuổi bị đinh ghim vào đầu, theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, cần thiết phải làm rõ vai trò của người mẹ. Bởi, nếu người mẹ chứng kiến đối tượng nhiều lần có hành vi sát hại con mình mà không can ngăn, bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, dù không có tác động nào cùng đối tượng sát hại con thì vẫn phải chịu trách nhiệm đồng phạm Giết người cùng đối tượng với vai trò giúp sức về tinh thần.

Trường hợp người mẹ không chứng kiến hoặc không biết đối tượng nhiều lần sát hại con mình nhưng sau đó biết hoặc có hành vi xóa dấu vết, bao che cho đối tượng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Không tố giác tội phạm hoặc Che giấu tội phạm theo quy định tại các Điều 389, 390 BLHS năm 2015.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TPHà Nội thì cho rằng, trách nhiệm người mẹ đối với con đẻ còn nghiêm trọng hơn so với người tình. Nếu xác định được hành vi do cặp đôi này thỏa thuận, thống nhất kế hoạch để hành hạ cháu bé thì ngoài tình tiết nêu trên, người mẹ còn có thể bị áp dụng thêm các tình tiết tăng nặng khác như: “Phạm tội vì động cơ đê hèn; Phạm tội đối với người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội".

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 58% phụ nữ bị bạo hành trong gia đình, 68,4% trẻ em (11 - 14 tuổi) bị ít nhất 1 hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình. Còn 14,6% cha mẹ cho rằng trẻ em cần bị xử phạt về thể xác. Vấn nạn này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Vụ việc cháu bé 3 tuổi hôn mê: Có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ bé 3 tuổi nghi bị bạo hành
Bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành, có 9 vật thể giống đinh găm trong sọ
Khởi tố kẻ đạp chết con riêng của người tình
Phê chuẩn quyết định khởi tố tội "Giết người" với Nguyễn Võ Quỳnh Trang
Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Khởi tố bổ sung tội giết người, che giấu tội phạm
Cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em
Bán roi mây có phải là hành vi tiếp tay cho bạo hành trẻ em?
UNICEF lên tiếng về vụ việc bé gái bị “dì ghẻ” hành hạ dẫn đến tử vong
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động