Du lịch Việt Nam đặt quyết tâm phục hồi trong năm 2022
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgành du lịch Việt Nam đã nhìn nhận lại mọi yếu tố để thích ứng linh hoạt và nỗ lực tìm các giải pháp phục hồi bền vững |
Những tín hiệu tích cực
Theo Tổng cục Du lịch, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2021 ước đạt khoảng 3.500 lượt khách; lượng khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng DN lữ hành giảm mạnh còn 2.964 DN, trong đó có 2.111 DN lữ hành quốc tế và 853 DN lữ hành nội địa.
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu cho biết, từ tháng 10-2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước phục hồi ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân; quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn.
Chính vì vậy, tháng 11-2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 2,5 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Tại Hà Nội, ngay trong ngày đầu năm 2022, tại sân bay Nội Bài đã đón chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Toky với 143 hành khách. Trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2022, khách du lịch đến Hà Nội chủ yếu là khách nội địa, với khoảng 60.000 lượt khách.
Trong nửa cuối tháng 11-2021, có 978 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” tại Quảng Nam, Khánh Hòa và Phú Quốc (Kiên Giang).
Sự kiện đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại này là bước khởi động quan trọng, đánh dấu bước tiến trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch, hướng tới từng bước mở cửa và phát triển kinh tế; đồng thời cũng khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam trong bối cảnh mới. Đây là những tín hiệu tích cực của việc phục hồi kinh tế du lịch.
Giải pháp hỗ trợ dài hơi cho doanh nghiệp du lịch
Theo Tổng cục Du lịch, trải qua các đợt dịch liên tiếp, các DN du lịch rơi vào tình trạng rất khó khăn, khó có thể duy trì hoạt động, nhất là các DN nhỏ và vừa. Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu.
Thực tế, trong vòng 3 tháng gần đây (từ tháng 10 đến cuối năm 2021), đã có nhiều cuộc tọa đàm, diễn đàn được Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các Hiệp hội địa phương phối hợp các cơ quan báo chí tổ chức, nhằm tìm ra các giải pháp khôi phục du lịch.
Các bộ, ngành liên quan cũng tích cực bàn để thống nhất các giải pháp hỗ trợ dài hơi cho DN du lịch, tham mưu trình Chính phủ quyết định trong thời gian sớm nhất. Dù khó khăn đến đâu, để tồn tại, phục hồi, ngành du lịch buộc phải nỗ lực, thích ứng.
Ông Hà Văn Siêu cho rằng, để phục hồi du lịch trong tình hình mới cần ba yếu tố: An toàn, mở và đồng bộ. Trong đó yếu tố an toàn là phải làm thế nào để người dân có niềm tin đến với các điểm đến. Khi đến các điểm du lịch họ cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ và có nguyện vọng sẽ quay lại.
Để ngành du lịch phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới, ngành du lịch cần tiếp tục cơ cấu lại, phát triển theo xu hướng mới, đa dạng hóa sản phẩm, điểm đến, trải nghiệm sâu, không đe dọa bởi sự đại trà, đông đúc. Đặc biệt, ngành du lịch cũng cần thực hiện tốt công tác truyền thông quảng bá để làm sao cho người dân có thể yên tâm đi du lịch khi dịch được kiểm soát.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Việt Nam cần phải đổi mới công tác xúc tiến du lịch, trước hết, cần ứng dụng mạnh mẽ maketing số, số hóa các tài nguyên du lịch.
Còn từ góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, cần phải có chính sách mạnh cho ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, đảm bảo được việc hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ từ các quỹ, định chế tài chính và những hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Quốc hội để cho các DN có thể mở cửa trở lại.Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại