Thứ hai 20/05/2024 10:46

Dự án Luật an ninh mạng: Cơ quan nào đánh giá thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an?

Ngày 29-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật an ninh mạng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, băn khoăn lớn nhất của ông khi đọc dự án Luật An ninh mạng là Điều 15. Mặc dù liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ, tuy nhiên như chúng ta biết trong cuộc sống hàng ngày khó có thể khẳng định đúng, sai, nhiều khi ranh giới rất mong manh.

“Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung các thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an? Kinh nghiệm của Indonexia trong Điều 15a luật sửa đổi năm 2017 đã quy định rất rõ ràng là "người đưa ra phán xét thông tin xấu là Tòa án", đại biểu nói.

Ngoài ra, Điều 26 cũng cần viết rõ ràng hơn, vì nếu viết chung chung là "khi có văn bản của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thì các nhà cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải cung cấp tất cả các thông tin khách hàng của mình".

du an luat an ninh mang co quan nao danh gia thong tin xau can ngan chan go bo
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại hội trường (ảnh: QH)

“Như vậy, tôi nghĩ có một nguy cơ lớn có thể bị lạm dụng, xâm phạm quyền tự do cá nhân mà Hiến pháp đã quy định. Cần quy định rõ ràng về văn bản của cấp nào, trong hoàn cảnh nào thì cơ sở cung cấp dịch vụ không gian mạng phải cung cấp toàn bộ thông tin”, đại biểu đề nghị.

Khoản 1 Điều 34 quy định giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường. Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị cân nhắc, không nên quy định cứng là bố trí giáo dục an ninh mạng trong môn học chính khóa của nhà trường, vì có thể sẽ gây khó khăn cho chủ trương giảm tải chương trình trong trường học phổ thông hiện nay.

“Bên cạnh đó, việc bổ sung này sẽ tác động trực tiếp tới việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và khó có thể bảo đảm công tác giảng dạy nội dung này, tạo sức ép về nguồn nhân lực và tài chính cho các nhà trường”, đại biểu nói.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm quản lý máy chủ, quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam là khó khả thi.

du an luat an ninh mang co quan nao danh gia thong tin xau can ngan chan go bo
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam là khó khả thi (ảnh: QH)

Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.

Khoản 2 Điều 39 quy định trách nhiệm của chủ thể cung cấp thiết bị số dịch vụ mạng, ứng dụng mạng phải tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp thiết bị số, dịch vụ mạng, ứng dụng mạng đối với tổ chức, cá nhân trong phạm vi không gian, thời gian nhất định khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng đối với trường hợp có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền với lý do bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Còn với lý do trật tự an toàn xã hội thì cần cân nhắc thêm vì lý do trật tự an toàn xã hội còn khá chung, dễ bị lạm dụng trong thực tiễn áp dụng.

“Tôi cho rằng nên quy định rõ trường hợp và trình tự, thủ tục của việc ra quyết định ngừng, tạm ngừng việc cung cấp dịch vụ nhằm tránh thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ mạng khi phải thực hiện yêu cầu chính đáng của các cơ quan có thẩm quyền”, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị.

Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động