Vinh danh các nhà khoa học thuộc lĩnh vực vật lý và kỹ thuật môi trường
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trao giải thưởng cho tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Mạnh Trí (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Ban tổ chức |
Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức quốc tế.
Năm 2024, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Cơ quan Thường trực Giải thưởng (NAFOSTED) đã nhận được 97 hồ sơ (gồm 76 hồ sơ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, 21 hồ sơ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn) đăng ký tham gia Giải thưởng.
Kết quả, giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay được trao cho tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Mạnh Trí (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Công trình của tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh được công bố trên Tạp chí Physical Review Letters, là tạp chí khoa học hàng đầu thế giới của ngành vật lý. Công trình thể hiện 3 kết quả đột phá về hướng nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển công nghệ máy tính lượng tử. Giáo sư Kiselev (đồng tác giả của công trình) nói ý tưởng của tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh là một kiệt tác tao nhã về vật lý hiện đại.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Trần Mạnh Trí (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) được trao giải thưởng nhờ cụm 3 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen - góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu hiện nay là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự phát triển vượt bậc cũng như những đóng góp của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, ngành khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Thủ tướng, trong thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học và công nghệ đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm thay đổi sâu sắc thế giới, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn và với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường.
Xác định rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, từ những bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp….”.
Thủ tướng hy vọng rằng, tinh thần say mê nghiên cứu, dấn thân vì khoa học và công nghệ của các thế hệ đi trước tiếp tục được lan tỏa, phát huy mạnh mẽ, tạo động lực, truyền cảm hứng trong thế hệ trẻ, nhất là đội ngũ nhà khoa học hôm nay và tương lai, trong đó có các nhà khoa học nữ.
Từ năm 2014, giải thưởng Tạ Quang Bửu trở thành sự kiện quan trọng thường niên trong dịp Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau 10 năm tổ chức, ban tổ chức đã nhận được hơn 400 hồ sơ tham dự.
Ban tổ chức đã trao tặng giải thưởng cho 18 nhà khoa học là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc và 4 nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học đạt giải thưởng trong các năm qua là những tấm gương để các nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ tiếp tục nỗ lực thực hiện các nghiên cứu khoa học đỉnh cao, góp phần đưa khoa học và công nghệ hội nhập, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, qua từng giai đoạn lịch sử, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn được giao nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cao nhất cho Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định và triển khai các chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trên cơ sở đó, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương. |
Tấm gương của các nhà khoa học nữ đã truyền nhiệt huyết cho các nữ sinh viên | |
Các nhà khoa học chỉ ra những tồn tại trong 12 nội dung cần góp ý của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại