Thứ hai 20/05/2024 10:24

Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và nông nghiệp bền vững

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH)-Ngày 11/8, Ban Thư ký quốc gia APEC đã họp, cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động sẽ diễn ra tại Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp APEC (SOM 3) diễn ra vào cuối tháng 8/2017.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để triển khai năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, từ ngày 18/8 đến 25/8/2017, tại Thành phố cần Thơ sẽ diễn ra “Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biển đổi khí hậu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ và Ban Thư ký APEC tổ chức.

Dự kiến sẽ có gần 1.500 lượt đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, quan chức cao cấp, nhà hoạch định chính sách và khối doanh nghiệp sẽ tham dự các sự kiện tại cần Thơ.

Chủ tịch Ban Thư ký APEC, Phó Tổng giám đốc FAO kiêm trưởng đại diện FAO Châu Á - Thái Bình Dương và Lãnh đạo cấp Bộ trưởng các thành viên APEC sẽ tham dự Đối thoại chính sách cao cấp.

Tuần lễ an ninh lương thực tại cần Thơ sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính như: Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với Biến đổi khí hậu; Đối thoại giữa các Bộ trưởng và các CEO về sử dụng có trách nhiệm tài nguyên để tăng cường sản xuất lương thực và kinh doanh nông nghiệp bền vững do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì với sự tham gia của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC; Cuộc họp thường niên của các nhóm Công tác APEC: Chính sách an ninh lương thực, đại dương và nghề cá, Công nghệ sinh học nông nghiệp…

doi thoai chinh sach cao cap ve an ninh luong thuc va nong nghiep ben vung

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT thông tin về các hoạt động trong Tuần lễ an ninh lương thực. Ảnh V.H

Các Hội thảo kỹ thuật chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động của các nhóm Công tác và do các nền kinh tế, các tổ chức quốc tế tổ chức: Biến đổi khí hậu liên quan đến nông nghiệp; Giống cây trồng trong khuôn khổ HLPDAB; Giảm thất thoát lương thực cho hệ thống lương thực APEC bền vững…

Sáng kiến nông nghiệp thông minh vì tăng trưởng bền vững; Chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm và thúc đẩy phát triển nông thôn-thành thị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo.

Theo ông Trần Kim Long, trong nhiều thập kỷ qua, nhờ sự nỗ lực của mỗi quốc gia và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, sản xuất lương thực trên thể giới đã đạt được những thành tựu to lớn, an ninh lương thực được cải thiện, nhiều quốc gia đã vươn lên tự túc được lương thực. Tuy nhiên, việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc đã ước tính hiện nay trên thế giới vẫn còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển. Tình trạng đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt là những thách thức lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 7,5 tỷ người trên thế giới.

“Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là vấn đề sống còn của mỗi nước, là yếu tố quyết định qui mô và tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, không thể đưa ra các giải pháp đơn lẻ để xử lý vấn đề này mà đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể giữa chiến lược phát triển nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông Long nhấn mạnh.

APEC, bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi đẻ hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực. Nơi đây là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng lớn, dân số khoảng 2,8 tỷ người (khoảng 40% dân số thế giới) và chiếm 57% GDP của thế giới. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng như vậy.

Để vượt qua các rào cản đó, phát triển nông nghiệp bền vững tập trung vào nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý thất thoát lương thực, thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đang là mối quan tâm chung, là trọng điểm và cần được tăng cường hợp tác sâu rộng của các nền kinh tế thành viên. Vì thế, trong các chương trình nghị sự cấp cao của APEC đều đề cập tới vấn đề an ninh lương thực.

Vân Hà / PL&XH

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động