Chủ nhật 24/11/2024 22:58

Đổ xô mua thuốc "xách tay" để phòng, chữa Covid-19

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi số ca F0 được ghi nhận ngày càng gia tăng thì thị trường thuốc, trang thiết bị y tế cũng trở nên nhộn nhịp, sôi động thêm. Mọi người lo lắng mình có thể trở thành F0 nên đã nhanh tay tìm mua các loại thuốc được quảng cáo, bán trôi nổi trên mạng. Điều này vô cùng nguy hiểm, vừa lãng phí, vừa có thể để lại hậu quả khôn lường.
Đổ xô mua thuốc
Loại thuốc xanh, thuốc đỏ của Nga là "hàng xách tay" được nhiều người lùng mua để dự phòng Covid-19 (ảnh P.C)

Không mua, dùng thuốc tùy tiện

Từ những "kinh nghiệm" truyền tai nhau trên mạng xã hội mà rất nhiều người nhiễm Covid-19 hay người có nguy cơ nhiễm Covid-19 đều nhanh tay tìm mua để có thể sở hữu các sản phẩm được quảng cáo có công dụng "điều trị, dự phòng" SARS-CoV2. Mặc dù có nhiều sản phẩm chưa được cấp phép tại Việt Nam, được quảng cáo là "hàng xách tay" nhưng đều nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng bởi "thấy bảo bên nước ngoài họ dùng tốt lắm".

Chị D, 50 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ: nhà có F0 nên chị nhanh tay mua được 1 hộp thuốc đỏ Abidol của Nga với giá 200 nghìn đồng/hộp để uống dự phòng. Theo hướng dẫn của nhà cung cấp thì 1 hộp thuốc Abidol có 10 viên. Ai là F1 thì uống 1 viên/ngày. "Mấy ngày gần đây số ca nhiễm tăng nhanh, khi tôi hỏi mua thêm thì đã tăng lên 500 nghìn đồng/hộp", chị D. cho biết. Trường hợp khác là chị T, 45 tuổi vốn có bệnh về đường hô hấp nên rất lo lắng mình bị nhiễm sẽ nặng, dù đã tiêm 2 mũi. Vì thế, chị T, đã dự phòng 10 hộp Abidol màu xanh trong nhà. Khi nghe tin đồng nghiệp là F0 chị T, đã vội vàng uống ngay "liều dự phòng" như lời quảng cáo sản phẩm trên mạng.

Theo PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, GĐ BV ĐH Y Hà Nội, đây là những sản phẩm xách tay, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng. Việc này vừa gây nên sự lãng phí tiền bạc vừa tiếp tay cho các nhóm buôn lậu thuốc. Hiện nay tỷ lệ tự khỏi trên người đã được tiêm chủng đầy đủ rất cao nên thuốc gì uống vào cũng đều "khỏi".

Còn theo dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược, BV ĐH Y Hà Nội, "thuốc xanh, thuốc đỏ" hay Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus…

Tại Trung Quốc, Umifenovir cũng được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, tuy nhiên kết quả về hiệu quả của Umifenovir là không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol trên bệnh nhân Covid-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự (năm 2021) dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv. Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân Covid-19. Sử dụng Arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ hay gặp phải là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn.

Chuyên gia khuyến cáo, mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Vì thế, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, đồng thời trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra. Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam.

Chảy máu tiêu hoá do dùng Corticoid

Cùng với việc săn lùng các loại "thuốc ngoại" theo lời truyền miệng thì người dân cũng có thói quen chữa bệnh theo "kinh nghiệm" của người từng mắc hơn là theo chỉ dẫn của bác sỹ. Đối với bệnh Covid-19, đây là bệnh mới nên người bệnh càng lo lắng và mang tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" nên khi vào mạng xã hội để tham khảo thông tin đã tuỳ tiện áp dụng mà không có sự chắt lọc thông tin một cách tỉnh táo. Có những thông tin tư vấn theo kinh nghiệm, nhưng cũng có người thông qua tư vấn để bán hàng. Điều này đã dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi và gặp phải hậu quả đáng tiếc.

Điển hình là trường hợp mà bác sỹ Nhật Minh Thắng, chuyên khoa Tiêu hoá-thành viên nhóm Bác sỹ Quân Y hỗ trợ online chăm sóc và điều trị F0 tại nhà chứng kiến. BS. Thắng chia sẻ: Mấy ngày gần đây khi thăm khám cho bệnh nhân đã phát hiện F0 bị chảy máu tiêu hoá do tự ý dùng Corticoid (loại Medrol 16mg) để điều trị Covid-19. Bác sỹ Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng chia sẻ, dù các bác sỹ liên tục cảnh báo, nhưng tình trạng lạm dụng Corticoid (Medrol) vẫn không đỡ bao nhiêu.

BS. Hoàng phân tích: Medrol có làm giảm sốt không? Có, vì nó ức chế hệ miễn dịch của cơ thể; Medrol có làm giảm ho hay không? Có, vì nó làm bớt phản ứng dị ứng; Medrol có chống viêm, chống sưng nề không? Có luôn. "Thế là người già trẻ con cứ ho sốt, sợ "ăn xuống phổi", là các bạn dược sĩ bán thuốc, các anh lang vườn kê cho người bệnh, dù là trẻ con vài tuổi hay cụ già gần trăm tuổi, cứ Medrol là trị được hết!. Tác dụng đúng là có đỡ sốt, đỡ ho, đỡ sưng nề. Nhưng hậu quả thì vô cùng", BS. Hoàng nhấn mạnh. Cụ thể, Medrol ức chế hệ miễn dịch, khác gì tiếp tay cho virus nhân lên, dễ bội nhiễm vi khuẩn, làm bùng phát tiểu đường, huyết áp, và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác.

BS. Hoàng cảnh báo: Medrol hay các loại tương tự không đắt tiền nhưng rất hại. Khi bệnh nhân chưa phải thở oxy, nhất quyết không dùng Corticoid. Nếu không, Covid có thể lấy đi tính mạng của bạn. Corticoid rất tốt trong việc chống bão cytokine, nhưng dùng sớm quá thì chỉ làm bệnh tình tồi tệ hơn. SpO2 trên 95 hoặc chưa phải thở oxy thì không dùng Corticoid! Nếu nhỡ uống vài ngày rồi thì dừng vì Corticoid cũng không tích lũy lâu trong cơ thể. Nếu uống dài ngày (trên 7 ngày) thì nên giảm liều từ từ, dừng ngay không tốt.
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động