Định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPGS TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế |
Báo cáo kinh tế thường niên 2021 năm nay do PGS TS Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS Nguyễn Anh Thu và TS Nguyễn Quốc Việt chủ biên đi sâu vào phân tích vị thế cạnh tranh Việt Nam trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng và để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu; trong đó có Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành và liên tục xuất bản, công bố trong 12 năm qua.
Báo cáo tập trung phân tích độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển. Từ đó, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và diễn biến phức tạp của tình hình bệnh dịch hiện nay, VEPR cho rằng, triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào kiểm soát dịch bệnh, tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine; hiệu quả, phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.
PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế |
Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR cũng đưa ra các kịch bản dự báo với giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine vào đầu quý IV/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát; hoạt động kinh tế được khôi phục.
Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau. Theo đó, VEPR cũng xây dựng kịch bản cơ sở là nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối qúy III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức từ 4,5 - 5,1%.
Tuy nhiên, cần chủ động ứng phó nếu gặp phải kịch bản bất lợi. Đó là khi dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới qúy IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung. Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4%.
Với nền kinh tế Việt Nam, động lực cho tăng trưởng kinh tế được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu và đầu tư công. Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam (mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch) thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm tới.
Một khi khả năng kiểm soát đại dịch chưa chắc chắn, niềm tin chưa quay trở lại thì đầu tư của các doanh nghiệp sẽ khó tăng mạnh ngay cả khi lãi suất có thực sự giảm.
Nhiều ngành dịch vụ được dự kiến chưa thể hồi phục trong năm 2021. Do vậy VEPR khuyến nghị cần sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất, kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng như các hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được cơ bản khống chế. Tất cả các biện pháp hỗ trợ về thuế thu nhập hay chi tiêu hàng xa xỉ nên được xóa bỏ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một yêu cầu thường trực, trong đó cần nhận diện và khắc phục các rào cản để nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số NLCT 4.0 (WEF).
Đặc biệt, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số PCI, điều này không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung mà còn được chứng minh làm gia tăng TFP của các ngành sản xuất tại địa phương đó.
Hơn nữa, TFP của doanh nghiệp tư nhân ở cả hai ngành nghiên cứu đều ở mức thấp so với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, để có thể thực sự nâng cao nội lực của nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTAs trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong GVC, đồng thời tạo môi trường để các FTAs phát huy hiện quả.
Cũng tại hội thảo, tất cả các đại biểu đều đánh giá cao tính chuyên môn và chất lượng của báo cáo; nhất là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, báo cáo cần có đưa ra nhóm các giải pháp cụ thể hơn nữa, mang tính cập nhật thời sự hơn nhất là với tình hình dịch COVID-19 và những quyết sách mới nhất mà Quốc hội đang tiến hành.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại