Thứ năm 10/10/2024 12:18

Giải pháp chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng nay (23/8), tại Hà Nội dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và TS. Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”.
Giải pháp chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công
Sáng 23/8 đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công”. (Ảnh: Nguyễn Vũ)

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện, chương trình phối hợp công tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường về xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên

Theo Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 4 về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, hiện trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm.

Trong đó, số lượng, diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích diễn ra ở hầu hết các địa phương. Nhiều dự án vi phạm kéo dài thậm chí hàng chục năm, nhưng chưa được khắc phục, xử lý. Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo khá phổ biến…Bên cạnh một số những bất cập về quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá…thì nguyên nhân chủ yếu là việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm, còn hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh diễn ra tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.

Nhất là công tác quản lý, sử dụng đất công thời gian qua còn nhiều kẽ hở trong cả quy định pháp luật lẫn việc áp dụng, thực hiện pháp luật trên thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước chịu tổn thất nặng nề, thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân thất thoát chủ yếu do chuyển quyền sở hữu; tư nhân hóa đất công; không thông qua đấu giá; …

Điển hình như sai phạm tại khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú, phường 4, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) là DNNN được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao lô đất kể trên từ năm 2008 để thực hiện dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ.

Để thực hiện dự án này, Vinataba đã liên danh cùng Công ty TNHH Đô Thành Việt và Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Căn nhà mơ ước (DRH Holdings) tạo thành liên doanh mang tên Công ty TNHH Vina Alliance (Vina Alliance). Trong các tài sản của Vinataba đã góp vốn vào Vina Alliance có bao gồm cả lô đất 30.977m2 tại 152 Trần Phú. Đến năm 2017, Vinataba thoái vốn tại Vina Alliance và chuyển vốn góp của mình sang cho Công ty TNHH Sơn Đông. Từ thời điểm này khu đất 30.977m2 tại số 152 Trần Phú chính thức đổi chủ sang doanh nghiệp tư nhân khác.

Hệ quả là, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Vinataba vi phạm quy định về quản lý tài sản DNNN; làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; vi phạm pháp luật về chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Đầu năm 2024, UBND thành phố Hồ Chí Minh có quyết định thu hồi khu đất trên nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Tương tự, khu đất 6.080 m2 tại 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh do Tổng công ty Sabeco (Sabeco) được giao quản lý, sử dụng nhưng đã chuyển quyền sử dụng đất cho một công ty khác sau đó Sabeco thoái vốn và bán toàn bộ vốn đóng góp để khu đất trên chính thức trở thành tài sản của một Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân.

Mặc dù các đối tượng liên quan đã bị xử lý và khu đất đã bị thu hồi và bàn giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh quản lý song nhà nước cũng bị thất thoát 2.713 tỷ đồng.

Theo Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” trích dẫn Báo cáo số 1557/BC-TTCP ngày 12/9/2022 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất; trong đó kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi về cho nhà nước 3.931 ha trên tổng số 7.727 ha phải thu hồi, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là việc sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm.

7 giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về quản lý đất đai

Giải pháp chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Vũ)

Với nghiên cứu từ thực tiễn và những phân tích nêu trên, dưới đây nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về quản lý đất đai, cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh triển khai khung chính sách pháp lý mới thực thi và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, cần rà soát, đánh giá thực tiễn công tác thu hồi đất công do DNNN vi phạm trong quá trình thoái vốn, cổ phần hoá, từ đó khẩn trương sửa đổi quy định hoặc ban hành văn bản mới hướng dẫn kịp thời nhằm đẩy nhanh quá trình thu hồi đất công có sai phạm, giảm thiệt hại cho ngân sách.

Thứ hai, cải cách trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm.

Trình tự, thu hồi đất do vi phạm cần phải được cụ thể hóa chi tiết để đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn triển khai. Trong đó cần bổ sung thêm quy định về thời hạn hữu hạn để thực hiện từng giai đoạn của thủ tục thu hồi đất, yêu cầu chủ thể bị thu hồi đất phải có trách nhiệm trong việc chấp hành quy định pháp luật và quyết định thu hồi đất, đồng thời phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể đã đầu tư vào đất, các tài sản gắn liền với đất, giá trị tài sản còn lại… theo hướng hỗ trợ một phần chi phí hoặc yêu cầu các bên liên quan, bên có vi phạm phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại do mình gây ra...

Thứ ba, nâng cao công tác quản lý đất đai, trách nhiệm cán bộ .

Nhằm hạn chế các sai phạm về quản lý đất công, buộc phải thực hiện thu hồi thì cần nâng cao công tác quản lý đất đai, nâng cao trách nhiệm cán bộ. Theo đó các cơ quan quản lý đất đai cần nâng cao trách nhiệm để kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp ngăn chặn sai phạm về quản lý đất công, buộc phải thực hiện thu hồi thì cần nâng cao công tác quản lý đất đai, nâng cao trách nhiệm cán bộ.

Theo đó các cơ quan quản lý đất đai cần nâng cao trách nhiệm để kịp thời phát hiện và đề xuất giải pháp ngăn chặn sai phạm, chống thất thoát và thu hồi đất công. Do đó, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, sát sao của các cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN và việc thực hiện chuyển nhượng dự án đất công, đồng thời quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất nhằm hạn chế những vi phạm có thể xảy ra.

Thứ tư, cần khẩn trương xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, tăng tính minh bạch trong sử dụng đất đai và giúp các cơ quan quản lý có thể dễ dàng nắm bắt lịch sử biến động, tình trạng pháp lý của đất tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu hồi đất công bị thất thoát.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra rà soát và phối hợp liên ngành trong công tác thu hồi đất.

Bên cạnh công tác quản lý đất đai thì việc tăng cường kiểm tra rà soát và phối hợp liên ngành trong công tác thu hồi đất cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, nhằm đảm bảo cho việc thu hồi đất được diễn ra theo đúng trình tự pháp luật, thực hiện đúng thời gian quy định thì cần có cơ chế kiểm tra để nêu cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm thời như thu giữ, kê biên đất nhằm kịp thời rà soát, xử lý việc chuyển nhượng đất bất thường, ngăn chặn việc xây dựng đầu tư vào đất để tránh bị đặt vào thế “đã rồi”. Đồng thời, trong công tác thu hồi đất hay cưỡng chế thu hồi đất thì cần có sự hợp tác, phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý đất đai, cơ quan thu hồi đất, chính quyền địa phương, lực lượng bảo đảm an ninh...

Vì vậy để việc thu hồi đất được thực hiện có hiệu quả thì cần chuẩn bị, xây dựng phương án thu hồi đất kĩ càng, có sự hiệp đồng, hỗ trợ, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để việc thu hồi đất được thực hiện nhanh, gọn, đảm bảo quyền hợp pháp của các bên.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Tiếp tục thực hiện phổ biến pháp luật, quán triệt, triển khai đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác thu hồi tài sản nói chung và thu hồi đất công bị thất thoát nói riêng. Cần phải tuyên truyền, vận động cho chủ thể bị thu hồi đất hiểu việc thu hồi đất trái pháp luật là đúng nguyên tắc và đúng pháp luật, việc thu hồi đất là cần thiết để hạn chế việc thất thoát và giảm thiểu thiệt hại của Nhà nước. Qua đó, chủ thể bị thu hồi đất cần hợp tác, phối hợp tự nguyện bàn giao đất, hạn chế những sự việc đáng tiếc, tiêu cực do thu hồi đất xảy ra.

Thứ bảy, kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số điều luật, chế tài trong Bộ luật Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai; Luật Quản lý sử dụng tài sản công …theo hướng tăng nặng chế tài xử lý tội phạm vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí ; xử lý các đối tượng gây thất thoát lãng phí tài sản công như đối với tội phạm tham nhũng…

Thi trực tuyến tìm hiểu Luật Đất đai năm 2024
Thu hồi đất đối với người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động