Thứ sáu 22/11/2024 16:09
Tọa đàm Văn hóa báo chí:

Điều không bao giờ thay đổi chính là tâm thế đạo đức, bảo vệ lý tưởng báo chí

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là lời khẳng định của Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tại tọa đàm "Văn hóa báo chí" trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023.
Điều không bao giờ thay đổi chính là tâm thế đạo đức, bảo vệ lý tưởng báo chí
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm.

Ngày 18/3, tại Bảo tàng Hà Nội, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, Ban tổ chức Khối báo chí Quân đội tổ chức tọa đàm “Văn hóa báo chí" với sự tham gia của hai diễn giả: Nhà báo Hồ Quang Lợi - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Về phía Báo Quân đội Nhân dân có Đại tá Lê Ngọc Long - Phó tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội Nhân dân. Cùng tham dự có đông đảo nhà báo, học viên Trường Sĩ quan Chính trị, sinh viên báo chí Lào đang theo học tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội,...

Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng trao đổi, chia sẻ về những giá trị văn hóa trong môi trường báo chí hiện nay, để làm rõ giá trị cốt lõi văn hóa báo chí và vì sao cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, báo chí là một sản phẩm có tính văn hóa do con người tạo ra, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền, giáo dục. Các tác phẩm báo chí chứa đựng tri thức văn hóa, những thông điệp nhân văn, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ tới công chúng.

Nền báo chí Cách mạng Việt Nam dưới dự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Những phẩm chất cao quý, kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo Cách mạng.

Điều không bao giờ thay đổi chính là tâm thế đạo đức, bảo vệ lý tưởng báo chí
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp, một phạm trù quan trọng của văn hóa.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng mà được hiểu đơn giản là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật.

Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp để cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Bên cạnh những thành tựu to lớn của báo chí cách mạng trong hơn 95 năm qua, báo chí Việt Nam đứng trước nhiều thử thách. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa; một số ít người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm,…

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp, một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn thương danh dự của người làm báo chân chính, làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí, nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.

Điều không bao giờ thay đổi chính là tâm thế đạo đức, bảo vệ lý tưởng báo chí
Quang cảnh tọa đàm

Hai diễn giả đều cho rằng, để phong trào xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cả nước cần thường xuyên thực hiện, lan tỏa phong trào ra xã hội, duy trì, tạo thành nền nếp. Từ đó tạo nên nhiều những sản phẩm báo chí chất lượng, giàu giá trị văn hóa, thông điệp nhân văn tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, việc nhà báo làm mất mình về tác phong, tâm thế, đạo đức làm nghề là vô cùng nguy hiểm. Báo chí hiện đại cần đổi mới sáng tạo nhưng điều đó được hiểu là sự đổi mới về phương thức làm nghề, tư duy báo chí, còn điều không bao giờ thay đổi chính là tâm thế đạo đức, bảo vệ lý tưởng báo chí.

Nếu so sánh với mạng xã hội, báo chí có thể không nhanh bằng nhưng báo chí có thứ vượt trội mà mạng xã hội không có, đó chính là tinh thần trách nhiệm và sức thuyết phục công chúng. Cho nên các nhà báo phải luôn trau dồi chuyên môn, đạo đức người làm báo để luôn bản lĩnh trong hành trình theo đuổi nghề.

Điều không bao giờ thay đổi chính là tâm thế đạo đức, bảo vệ lý tưởng báo chí
Một tiết mục văn nghệ tại buổi tọa đàm
Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023: “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo” Khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023: “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”
Toàn cảnh Hội báo toàn quốc 2023 Toàn cảnh Hội báo toàn quốc 2023
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động