Chủ nhật 24/11/2024 17:58

“Diễn trò” thổi giá đất, chế tài xử phạt như thế nào?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo luật sư, người môi giới tung tin giả, sai sự thật, không chính xác liên quan quy hoạch đất đai hoặc tạo ra sự khan hiếm giả trên thị trường, thổi giá, tạo hiệu ứng bong bóng nhà đất để trục lợi có thể bị xử lý hình sự.
“Diễn trò” thổi giá đất, chế tài xử phạt như thế nào?
Clip "cắm đầu cắm cổ" chạy chốt cọc đất ở Bình Phước gây xôn xao mạng xã hội

Các lô đất được ''chốt cọc'' như thế nào?

Vừa qua, mạng xã hội xuất hiện clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh lãnh đạo và nhân viên một Cty bất động sản đang tranh nhau bán đất nền. Trong đó, nhân viên của Cty bất động sản mặc vest cầm cặp da và “sổ đỏ” chạy đi chạy lại quanh khu lều bạt dựng ngoài trời để thông báo với người dẫn chương trình các nền đất đã chốt cọc

Đoạn clip cho thấy nhóm môi giới bất động sản đã cho dựng rạp trên mảnh đất trống, phía ngoài đường có hàng chục chiếc ô tô đậu thành hàng dài. Nhiều người được cho là nhân viên môi giới bất động sản mặc áo vest, tay xách cặp phải chạy "cắm đầu cắm cổ" từ khu lều bạt đến chỗ người dẫn chương trình đứng ở giữa khu đất trống đang nói rất lớn "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, khách đặt cọc đất rồi nhé".

Ngay sau đó, người dẫn chương trình cũng hét lớn trên loa trong tiếng nhạc xập xình rằng... "đã chốt cọc". Chỉ trong vài phút của đoạn clip, đã có hơn 10 lô đất được khách đặt cọc.

Clip sau khi được đăng tải trên mạng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng với các bình luận, chia sẻ hài hước như “giải điền kinh mở rộng”, “cuộc đua marathon bắt đầu”. Tuy nhiên, những người trong giới bất động sản thì cho rằng đây chỉ là chiêu trò của Cty bất động sản nhằm thổi giá đất và tạo thị trường ảo. Theo tìm hiểu, đoạn clip livestream bán đất nền diễn ra vào 20-2 trên địa bàn tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Liên quan đến thông tin trên, đại diện UBND xác nhận ngày 20-2, có khoảng 100 người tụ tập tại khu vực ấp Đồi Đá thuộc xã để mua bán đất. Sau khi nắm được thông tin, xã đã cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra 2 nội dung phòng chống dịch và giao dịch bất động sản.

CQCN có mời một số người liên quan về UBND xã làm việc và lập biên bản về hành vi tập trung đông người, thực hiện các giao dịch bất động sản nhưng không chứng minh được các giấy tờ pháp lý liên quan. Qua xác minh ban đầu, Cty bất động sản trên đã dựng rạp tổ chức bán đất trái phép.

Theo ông Lê Trường Sơn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, huyện đã yêu cầu ngành chức năng, địa phương liên quan vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm công ty kinh doanh bất động sản tự ý dựng rạp mua bán đất trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý theo chế tài nào?

Nhiều độc giả bức xúc, hành vi công khai “diễn trò” bán đất nền, có vi phạm pháp luật và bị xử lý theo chế tài nào? Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, muốn làm rõ những sai phạm của Cty bất động sản trước hết cần phải thẩm định hồ sơ pháp lý đối với dự án phân lô bán nền trên. Trên thực tế, chủ đầu tư thường ủy quyền việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho một Cty kinh doanh bất động sản nhằm đẩy nhanh tiến độ mở bán. Để làm rõ vấn đề cần xác định xem vai trò của Cty bất động sản thực hiện việc mua bán đất kia trong dự án, có quan hệ như thế nào với chủ đầu tư dự án.

Luật sư Thái nhận định, trong trường hợp, Cty bán đất không đảm bảo những quy định pháp luật về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất phân lô bán nền có thể vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 8 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 gồm: gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản; kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện…

Bên cạnh đó, Nghị định 16/2022/NĐ-CP đã đưa ra những chế tài xử lý hành chính rất nghiêm khắc. Theo đó, đối với Cty bất động sản không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng (điểm b khoản 3 Điều 59 Nghị định 16/2022/NĐ-CP). Trường hợp bất động sản đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định, công ty sẽ bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng (điểm a khoản 3 Điều 58 Nghị định 16/2022).

“Giả sử, trong trường hợp CQĐT phát hiện dấu hiệu tội phạm khi các cá nhân tung tin giả, sai sự thật, không chính xác liên quan quy hoạch đất đai hoặc tạo ra sự khan hiếm giả trên thị trường; thổi giá, tạo hiệu ứng bong bóng nhà đất để trục lợi; có thể bị xử lý hình sự về ''Tội lừa dối khách hàng'' theo Điều 174 BLHS năm 2015, người vi phạm có thể bị phạt từ 2 đến 7 năm tù giam”, luật sư Thái nêu quan điểm.

Đối với hành vi người môi giới Để tránh các giao dịch ảo trên mạng, luật sư Thái khuyến cáo người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản cần cẩn trọng và tìm hiểu các thông tin chính thống liên quan đến dự án từ chính quyền địa phương và các cấp có thẩm quyền. Trường hợp nếu người dân không chắc chắn về bất động sản mình muốn mua cần thiết phải tham khảo thêm ý kiến của những người có kiến thức về pháp luật nhằm tránh những thiệt hại về tài sản xảy ra.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động