Đi kiện đất bị lấn chiếm, "bỗng dưng" bị tòa tuyên hủy sổ đỏ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCố tình xây dựng trên đất đang tranh chấp
Theo tìm hiểu của PV, hai thửa đất liền kề ở thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội của cụ Lê Xuân Tích, SN 1936 và bà Nguyễn Thị Tâm, SN 1960 đều do cha ông để lại. Trên thửa đất của cụ Tích có một ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Năm 1999, cụ Tích được cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) với diện tích 434m2 theo đúng hiện trạng sử dụng đất thể hiện trong bản đồ địa chính năm 1994. Năm 2006, bà Tâm mới được cấp sổ đỏ với diện tích 174m2 theo đúng hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm lập hồ sơ.
Phía sau ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi đang bị xâm hại |
Trước khi được cấp sổ đỏ, hai gia đình không xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, đến ngày 6-11-2015, nhà cụ Tích phát hiện gia đình bà Tâm xây dựng công trình phụ đã đổ bê tông móng nhà tràn qua phần diện tích đất của nhà mình, áp sát móng ngôi nhà cổ. Biên bản hiện trạng xây dựng do UBND xã Xuân Canh xác lập ngày 6-11-2015 thể hiện, gia đình bà Tâm đã xây dựng lấn sang đất nhà cụ Tích.
Ngày 16-12-2015, UBND xã ra thông báo về việc hoà giải tranh chấp đất đai không thành và yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng tranh chấp, không được xây dựng, cơi nới, sửa chữa làm thay đổi hiện trạng sử dụng của hai bên. Song, bà Tâm vẫn cố tình xây dựng công trình lên tới 3 tầng trên phần diện tích đất đang xảy ra tranh chấp. Đáng chú ý, thửa đất của bà Tâm được cấp sổ đỏ có diện tích 174m2 nhưng thực tế sử dụng là 188,3m2; còn diện tích thửa đất của cụ Tích được cấp sổ đỏ là 434m2 nhưng thực tế sử dụng chỉ còn 407,3m2.
Gia đình bà Tâm đã xây dựng công trình sát với mái, không có hệ thống thoát nước cho ngôi nhà cổ |
Cho rằng, bà Tâm đã xây dựng công trình lấn khoảng 19m2 đất của cụ Tích là bất hợp pháp, làm ảnh hưởng kết cấu của ngôi nhà cổ nên cụ Tích đã làm đơn khởi kiện, đề nghị TAND huyện Đông Anh yêu cầu bà Tâm tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại phần đất lấn chiếm, đồng thời tuyên huỷ sổ đỏ đã cấp cho bà Tâm.
“Trong khi toà án đang thụ lý vụ án nhưng bà Tâm vẫn coi thường pháp luật, không chấp hành yêu cầu của UBND xã mà tiếp tục cho xây dựng công trình lên tới 3 tầng trên phần đất lấn chiếm của gia đình tôi. Cũng trong thời gian này, gia đình tôi rất hoang mang và lo sợ vì liên tiếp bị đe doạ, lăng mạ, ném gạch lên mái nhà cổ làm hư hỏng tải sản. Việc này đã được CA xã Xuân Canh và CA huyện Đông Anh lập biên bản ghi nhận, xử lý”, ông Lê Xuân Bình, con trai cụ Tích bức xúc.
Giả mạo chữ ký để chiếm đất?
Ngày 6-9-2016, TAND huyện Đông Anh đã đưa vụ án “Tranh chấp QSDĐ và yêu cầu huỷ GCNQSDĐ” ra xét xử sơ thẩm. Cho rằng, việc cấp sổ đỏ cho cụ Tích và bà Tâm bị chồng lấn giữa hai bên với diện tích 22,44m2; diện tích chồng lấn này theo bản đồ thì thuộc đất của gia đình cụ Tích, theo hiện trạng thì thuộc gia đình bà Tâm… nên TAND huyện Đông Anh đã tuyên huỷ cả hai sổ đỏ đã cấp cho cụ Tích và bà Tâm.
Ông Bình cho rằng, TAND huyện Đông Anh tuyên huỷ sổ đỏ của cụ Tích đã vượt quá yêu cầu của nguyên đơn là chưa đúng, chưa căn cứ vào các quy định của pháp luật.
Ông Bình lý giải: Thứ nhất, bản đồ địa chính lập năm 1994 là tài liệu chính xác đã được thực hiện có quy mô với máy móc hiện đại, với kỹ thuật đo vẽ thể hiện chính xác diện tích, hình thể của từng thửa đất căn cứ vào hiện trạng thực tế đang sử dụng đất tại thời điểm đó. Năm 1999, UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ cho cụ Tích theo đúng kích thước, diện tích thể hiện trong bản đồ địa chính năm 1994. Bà Tâm cũng đã ký xác nhận xác định mốc giới giữa hai gia đình và không có tranh chấp.
Bản đồ địa chính năm 1994 thể hiện, phía sau ngôi nhà cổ vẫn còn một phần diện tích đất (vòng tròn đỏ) thuộc quyền quản lý của cụ Tích |
Thứ hai, Phòng TN&MT huyện Đông Anh đã khẳng định, UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ cho gia đình cụ Tích đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật đất đai; việc chồng lấn diện tích, kích thước trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho cụ Tích là trùng khớp với bản đồ địa chính năm 1994. Diện tích chồng lấn nằm trong sổ đỏ của gia đình cụ Tích nhưng hiện tại gia đình bà Tâm đang sử dụng.
Thứ ba, bà Tâm đã giả mạo chữ ký của cụ Tích để hợp thức hoá hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Mặt khác, Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho rằng, năm 2006 khi lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho bà Tâm, UBND xã Xuân Canh chỉ kiểm tra hiện trạng và lập hồ sơ theo kích thước đo đạc hiện trạng. Do UBND xã sơ xuất không đối chiếu giữa hồ sơ lập năm 1998 và năm 2006 nên có sự chồng lấn diện tích tại phần giáp ranh giữa hai thửa đất. Chính vì vậy đã dẫn đến việc, UBND huyện Đông Anh cấp sổ đỏ cho bà Tâm với hình thể thửa đất sai khác so với bản đồ địa chính lập năm 1994, chồng lấn lên sổ đỏ đã cấp cho cụ Tích.
Sau gần 1 năm thụ lý, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử Được biết, sau khi cụ Tích kháng cáo, ngày 23-3-2017, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm và tuyên huỷ bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Anh do xuất hiện tình tiết mới. Theo đó, để giải quyết triệt để tranh chấp, cần phải điều tra xem xét phần diện tích tăng thêm của gia đình bà Tâm so với “sổ đỏ” là của mẹ bà Tâm cho hay lấn đất của gia đình cụ Tích. Do các đương sự xin huỷ sổ đỏ nên theo Bộ luật Tổ tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng Hành chính năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của của TAND TP Hà Nội. Do vậy, TAND TP Hà Nội đã giữ hồ sơ vụ kiện để điều tra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thụ lý, đến nay TAND TP Hà Nội vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Việc TAND huyện Đông Anh tuyên huỷ sổ đỏ của gia đình cụ Tích và việc TAND TP Hà Nội chậm trễ đưa vụ án ra xét xử đã khiến gia đình cụ bức xúc và gửi đơn cứu xét tới nhiều cơ quan chức năng ở TP Hà Nội. |
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra nhận định, TAND huyện Đông Anh thụ lý và đưa vụ án “Tranh chấp QSDĐ và yêu cầu huỷ GCNQSDĐ” ra xét xử sơ thẩm là sai thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết vụ án này phải là TAND TP Hà Nội. TAND huyện Đông Anh tuyên huỷ sổ đỏ đã cấp đúng quy định của pháp luật cho cụ Tích theo yêu cầu của bị đơn là chưa đủ căn cứ, có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Luật sư Thái cũng nêu quan điểm, TAND TP Hà Nội và UBND huyện Đông Anh cần làm rõ và xử lý hành vi giả mạo chữ ký để xin cấp sổ đỏ của bà Tâm cũng như hành vi coi thường pháp luật, không chấp hành yêu cầu của chính quyền địa phương khi tiếp tục cho xây dựng công trình trên đất đang tranh chấp. UBND huyện Đông Anh cũng cần làm rõ sự thiếu trách nhiệm của UBND xã Xuân Canh liên quan đến việc lập hồ sơ xin cấp sổ đỏ cho gia đình bà Tâm và buông lỏng quản lý trật tự xây dựng.
“Bà Tâm giả mạo chữ ký, khai man mốc giới nhằm mục đích chiếm đất của gia đình tôi đã quá rõ ràng. Vậy mà, sau 9 tháng thụ lý vụ án, TAND huyện Đông Anh vẫn không làm rõ được ranh giới giữa hai thửa đất và diện tích đất gia đình tôi bị lấn chiếm. Cực chẳng đã, TAND huyện Đông Anh lại còn tuyên huỷ cả sổ đỏ được cấp đúng quy định của gia đình tôi. Phán quyết này của TAND huyện Đông Anh là sai quy định, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”, ông Bình bức xúc.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại