Thứ hai 30/12/2024 02:41
Luật Thủ đô 2024

Đề xuất mô hình thành phố thuộc Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS. Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, thành phố thuộc Thủ đô là một mô hình còn khá mới tại nước ta. TP Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách mở, đặc biệt là cơ chế phân cấp, ủy quyền, phân quyền dành cho thành phố thuộc Thủ đô để phát triển kinh tế, thúc đẩy kinh tế các tỉnh lân cận và kinh tế vùng.
Đề xuất mô hình thành phố thuộc Thủ đô
Khu vực các cây cầu bắc qua sông Tô Lịch, Hà Nội. Ảnh: Công Phương

Thành phố thuộc thành phố phải được công nhận là đô thị loại I

TS. Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, theo Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, chính quyền địa phương TP thuộc TP trực thuộc Trung ương là cấp chính quyền có hai loại cơ quan bao gồm HĐNDvà UBND hay nói theo cách khác là cấp chính quyền địa phương hoàn chỉnh.

TS. Lê Anh Tuấn đề xuất một số mô hình thành phố thuộc Thủ đô Hà Nội. Theo đó, việc xếp TP thuộc TP trực thuộc Trung ương nói chung cũng như thành phố thuộc Thủ đô nói riêng, đồng hạng với TP thuộc tỉnh với các thứ hạng được phân loại như “đã được công nhận là đô thị loại I hoặc loại II, hoặc loại III; hoặc khu vực dự kiến thành lập TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã được phân loại đạt tiêu chỉ của đô thị loại I hoặc loại II, hoặc loại III" cũng không thực sự hợp lý.

Do vậy, để có cơ sở xác định địa vị pháp lý phù hợp với chính quyền TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, cần thống nhất quan điểm về thứ hạng của chính quyền TP thuộc TP trực thuộc Trung ương chỉ có thể là loại đô thị loại I cùng cấp độ như một số TP thuộc tỉnh đã được công nhận là đô thị loại I.

TS. Lê Anh Tuấn cho biết thêm, xét trên phương diện thẩm quyền, chính quyền thành phố thuộc Thủ đô có thể là một chủ thể được phân quyền trực tiếp bởi các đạo luật chuyên ngành trong một số lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của TP nhằm tạo khả năng tự chủ cao và độc lập với chính quyền TP trực thuộc Trung ương, ngoại trừ những thẩm quyền được phân cấp từ chính quyền cấp trên.

Về vị trí, vai trò của thành phố thuộc Thủ đô cũng cần được nhìn nhận lại để xây dựng thành các trung tâm kinh tế xã hội cấp quốc gia, cấp vùng, tập trung phát triển theo các lợi thế về kinh tế, tài chính, logistic, văn hóa, giáo dục, đào tạo khoa học, công nghệ, y tế, du lịch, đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, có vai trò thúc đẩy, dẫn dắt sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của TP trực thuộc Trung ương mà của cả vùng, liên vùng hoặc cả nước.

Đề xuất mô hình thành phố thuộc Thủ đô
Công viên hồ Phùng Khoang, quận Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: Khánh Huy

Mô hình chính quyền TP thuộc TP

Viện trưởng Viện khoa học tổ chức Nhà nước cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền TP không chỉ phải phù hợp với tính chất, đặc điểm của đô thị như mọi chính quyền đô thị khác mà còn phải xứng tầm với vị trí của đô thị loại I và vị trí của một chính quyền đô thị trên cơ sở phân quyền trên mọi lĩnh vực (trừ 3 lĩnh vực quân đội, an ninh và ngoại giao).

Thẩm quyền của chính quyền thành phố thuộc Thủ đô cần được nhận phân quyền trực tiếp trong một số lĩnh vực phát triển do các đạo luật quy định và được chính quyền TP phân cấp mạnh trong những lĩnh vực không được phân quyền từ các đạo luật, do vậy tính độc lập, tự chủ của chính quyền TP loại này khá cao trong mối quan hệ với chính quyền TP Hà Nội.

Do vậy, mô hình tổ chức chính quyền thành phố thuộc Thủ đô, cần được quy định là chính quyển một cấp với hai thiết chế gồm HĐND TP và UBND TP. Tức là đối với thành phố thuộc Thủ đô chỉ tổ chức một cấp chính quyền tại cấp TP; còn tại các đơn vị hành chính phường thuộc địa phận TP không tổ chức cấp chính quyền mà chỉ thành lập một cấu trúc hành chính thích hợp để thực hiện quản lý hành chính Nhà nước tại địa bàn như cánh tay nối dài của chính quyển TP.

UBND thành phố thuộc Thủ đô theo quy định hiện hành gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên, đồng thời UBND TP thuộc TP trực thuộc Trung ương với vị trí là đô thị loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch. Quy định này không thật sự phù hợp với tính chất, vị trí, vai trò của TP thuộc đô thị đặc biệt như TP Hà Nội. Do vậy đối với Thành phố thuộc Thủ đô cần tăng thêm số lượng Phó Chủ tịch UBND TP từ không quá 3 Phó Chủ tịch lên không quá 4 Phó Chủ tịch.

Vị trí pháp lý của Chủ tịch UBND thành phố thuộc Thủ đô cần tương đương vị trí của phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và tương tự được bầu làm ủy viên BCH Đảng bộ TP Hà Nội. Mặt khác, do đặc điểm của quản trị TP trong điều kiện xây dựng đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị số, rất cần một mô hình hành chính linh hoạt, độc lập cao, hoạt động thiên về chế độ tập trung với người đứng đầu thực quyền và chế độ trách nhiệm cá nhân lớn để bảo đảm chính quyền TP là chính quyền hành động, ứng phó tốt với mọi tình huống phát triển và phản ứng chính sách linh hoạt.

Theo đó cần nghiên cứu chuyển giao một số thẩm quyền thuộc thẩm quyền chung của UBND sang thẩm quyền riêng của người đứng đầu UBND là Chủ tịch UBND TP. Đồng thời với việc tăng thẩm quyền của người đứng đầu UBND TP trực thuộc Trung ương, cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của người đứng đầu UBND TP, quy định chặt chẽ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu để bảo đảm quyền hạn đi đối với trách nhiệm.

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động