Đẩy mạnh cải cách hành chính là “xương sống” phát triển kinh tế, xã hội
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTập trung kích cầu du lịch nội địa
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 4 tháng đầu năm đạt 88.275 tỷ đồng, đạt 31,7% dự toán (cùng kỳ đạt 32% dự toán), bằng 98,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4.329 triệu USD, giảm 4,7% cùng kỳ.
Tuy nhiên một số nhóm hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là hàng hóa thiết yếu, thiết bị y tế phục vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng; hàng gốm sứ tăng; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng; giày dép và sản phẩm từ da tăng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI ở Hà Nội bình quân 4 tháng tăng 4,57% (cùng kỳ tăng 4,06%).
TP đã cấp Giấy chứng nhận cho 7.165 doanh nghiệp thành lập mới, thực hiện thủ tục giải thể cho 725 doanh nghiệp (tăng 6% so với cùng kỳ), 4.877 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ).
Trong tháng 4, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 35,5 nghìn lượt khách, giảm 98,4% cùng kỳ, trong đó: khách du lịch quốc tế ước đạt 8.511 lượt khách, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm trước. Công suất trung bình khối khách sạn trong tháng 4-2020 ước đạt khoảng 12.8%, giảm 10.6% so với tháng 3-2020 và giảm 61.8% so với cùng kỳ.
Đại diện Sở Du lịch cho biết, từ nay đến cuối năm chủ yếu là kích cầu du lịch nội địa. Từ đó xây dựng kế hoạch kích cầu, tăng cường tuyên truyền quảng bá với các địa phương, các hãng vận chuyển, đặc biệt là số hóa sản phẩm để phục vụ du lịch.
Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, dự báo mùa hè năm nay nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 9,7% đến 10%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 sản lượng điện chưa chắc sẽ bảo đảm sẽ tăng trưởng theo kịp nhu cầu.
Mặc dù vậy, nhu cầu điện trong mùa hè của TP hoàn toàn có thể đáp ứng được, quá trình sử dụng phải tránh để xảy ra sự cố đường dây, trạm cung cấp để bảo đảm phục vụ nhân dân.
|
Thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SX-KD
Nhiệm vụ được UBND TP xác định trong thời gian tới là Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố. Tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để kịp thời xử trí; Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng để kịp thời bao vây khoanh vùng xử trí sớm khi phát hiện ca bệnh.
Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là việc đảm bảo công tác vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo đủ nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, giáo viên..., tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 tại Chỉ thị số 06/CT-UBND.
Trong đó, Hà Nội yêu cầu các đơn vị cải cách triệt để các TTHC; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là TTHC liên thông; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Thực hiện cắt giảm chi thường xuyên ngoài kế hoạch; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả.
Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm nâng cao đời sống người dân.
Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng…
Đặc biệt, UBND TP yêu cầu các đơn vị tập trung đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm về phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố theo tinh thần quán triệt của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em...
|
Học sinh đi học không cần đeo tấm kính chắn
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phòng chống dịch trong 4 tháng năm 2020 đã được TP, các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong công tác chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên về góc độ kinh tế, nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội của Hà Nội không đạt theo kế hoạch, có nhiều biến động. 4 tháng đầu năm tình hình thu, chi ngân sách đều thấp hơn so với cùng kỳ; kết quả giải ngân, chi thường xuyên cũng thấp hơn...
Thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường khâu đôn đốc, thực hiện chỉ đạo các nội dung về các nhiệm vụ được giao; tiếp tục thực hiện chống dịch trong tình hình mới theo chỉ đạo của Chính phủ, TP; chủ động ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống.
Các đơn vị của TP tiếp tục thực hiện các giải pháp để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh quay trở lại để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các đơn vị phường xã, quận huyện làm tốt công tác phòng chống thiên tai. Bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ nông nghiệp, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế TP.
Chủ tịch UBND Thành phố giao CATP chủ trì, Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp, chính quyền các cấp làm tốt công tác phòng chống tội phạm đặc biệt là nhóm tội phạm gây án nghiêm trọng, cướp giật, ổ nhóm tội phạm hoạt động ban đêm.
Về công tác phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, các đơn vị phải kiên trì thực hiện các biện pháp. Cụ thể, các đơn vị phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên mà trong thời gian qua không thực hiện như đoàn đi công tác nước ngoài, các hoạt động lễ hội văn hóa, xúc tiến đầu tư, cắt giảm khoảng 15%. Sở Tài chính và kho bạc phải yêu cầu các đơn vị thống kê, có con số sơ bộ báo cáo thường trực Thành ủy trước ngày 15-5.
Nêu rõ việc có cán bộ "om" hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, hay tình trạng "đá" trách nhiệm giữa các sở ngành và khảo sát của VCCI rằng doanh nghiệp nước ngoài mất 24 triệu đồng phí cho một dự án xây dựng... Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu chấn chỉnh ngay và nhấn mạnh "Cán bộ phải thực sự nỗ lực công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho doanh nghiệp".
Chủ tịch UBND Thành phố mạnh đến nhiệm vụ đẩy mạnh CCHC và cho rằng đây là giải pháp “xương sống” để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Phải tháo gỡ mọi khó khăn trong TTHC cho người dân và doanh nghiệp, bởi thời gian là vàng, nếu để mất cơ hội thì chi phí sẽ tăng cao. Tiếp tục rà soát các TTHC, cắt giảm các thủ tục không cần thiết; không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Hà Nội cũng lưu ý ngành giáo dục rà soát để môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất. "Không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn; chỉ cần đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị".
Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Cục quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra giờ hoạt động của các cửa hàng không thiết yếu, sau vi phạm thì phải thu giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho phép các cửa hàng Spa, cắt tóc có thể cho mở cửa trở lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại