Dấu hiệu nhận biết ung thư bàng quang
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênUng thư bàng quang: Khái niệm và dấu hiệu nhận biết
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính, đây là bệnh thường gặp thứ hai trong các loại ung thư tiết niệu. Ở giai đoạn đầu thường có những dấu hiệu dễ lầm tưởng với bệnh lý thông thường như: tiểu rắt, tiểu kèm máu, đau rát khó chịu bụng dưới, chán ăn, mệt mỏi, đau khi tiểu ....
Dấu hiệu nhận biết của bệnh ung thư bàng quang thường dễ nhầm với các bệnh lý thông thường. Dưới đây là những dấu hiệu sớm ung thư bàng quang:
- Tiểu ra máu, tiểu nhiều lần là triệu chứng thường gặp nhất. Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm: Tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau. Đi tiểu lẫn máu (đầu lần tiểu) thường có nguyên nhân từ niệu đạo. Đi tiểu lẫn máu (cuối lần tiểu) thông thường xuất phát từ cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. Đi tiểu lẫn máu (cả lần tiểu) thì có thể do tổn thương từ bất kể nơi nào trên đường tiết niệu: thận, niệu quản, bàng quang.
Khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác phải nghĩ ngay đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.
- Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu… là do bàng quang bị kích thích hoặc bị giảm thể tích. Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu, khi có những dấu hiệu này không nên bỏ qua suy nghĩ đến ung thư bàng quang tại chỗ. Đặc biệt là khi thấy nước tiểu có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi xét nghiệm xem có phải mình đã mắc bệnh ung thư bàng quang hay không.
Ngoài ra, nếu các biểu hiện trên kèm theo mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, suy sụp nhanh cũng là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.
Ở giai đoạn muộn khi đã có di căn, bệnh nhân sẽ có biện hiện của di căn hoặc bệnh tiến triển. Ví dụ như đau bụng, xương bên sườn hoặc đau vùng chậu. Biểu hiện toàn thân thường là sốt, sụt cân, thiếu máu,…
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên chưa khẳng định được bạn đã mắc ung thư bàng quang vì đó cũng có thể gặp ở 1 số bệnh lành tính. Nhưng ngay khi thấy những dấu hiệu trên cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám bao gồm: Khám lâm sàng toàn diện, nội soi trực tràng ở nam và trực tràng, âm đạo ở nữ.
Đặc tính nổi bật của bệnh là khả năng tái phát cao. Tái phát tại chỗ hoặc tái phát ở vị trí khác với giai đoạn ban đầu hoặc tiến triển hơn. Do đó bệnh nhân ung thư bàng quang cần được theo dõi thường xuyên.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư bàng quang
Các yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang bao gồm: Tỷ lệ bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Gia đình có người mắc ung thư bàng quang. Phơi nhiễm với một số hóa chất như asen, các amin thơm được sử dụng trong sản xuất thuốc nhuộm hóa học và dược phẩm,…
Các nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá, người nhiễm trùng bàng quang mạn tính. Những người mắc bệnh đái tháo đường, béo phì,…dễ mắc bệnh ung thư bàng quang. Ngoài ra người xạ trị vùng chậu hoặc sử dụng các thuốc ví dụ cyclophosphamide… cũng dễ mắc.
Các giai đoạn của ung thư bàng quang
Giai đoạn 1: Ung thư ở giai đoạn này xảy ra trong lớp nội mạc của bàng quang, nhưng chưa xâm chiếm lớp cơ của thành bàng quang.
Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này, ung thư đã xâm nhập vào thành bàng quang, nhưng vẫn còn giới hạn ở bàng quang.
Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lây lan xuyên qua thành bàng quang để xâm lấn mô xung quanh. Chúng có thể lan đến tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung hay âm đạo ở phụ nữ.
Giai đoạn cuối: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, di căn đến các cơ quan khác, như phổi, xương hoặc gan.
Điều trị ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang có thể dễ dàng chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Việc điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.
Phẫu thuật: Đây là một phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến. Loại phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn và cấp độ của khối u: cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo; cắt bỏ bàng quang bán phần ; cắt bỏ bàng quang triệt để; cắt bỏ toàn bộ bàng quang, các hạch lân cận, một phần niệu đạo và các cơ quan lân cận có thể chứa các tế bào ung thư.
Ở nam giới, các cơ quan lân cận được cắt bỏ là tuyến tiền liệt, túi tinh và một phần ống dẫn tinh. Ở phụ nữ, tử cung, buồng trứng, vòi trứng và một phần âm đạo được cắt bỏ.
Tia xạ: Một số bệnh nhân có thể được tia xạ trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước khối u và ngược lại bệnh nhân có thể được chiếu xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Với bệnh nhân ung thư bàng quang không thể thực hiện phẫu thuật thì sẽ tia xạ theo hai cách để: Chiếu xạ ngoài và chiếu xạ trong.
Hóa trị liệu: Hóa trị liệu sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc.
Ung thư bàng quang hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, do đó bệnh nhân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát ung thư bàng quang và điều trị kịp thời.
Cách phòng ngừa ung thư bàng quang
Hiện nay chưa có phương pháp nào chắc chắn có thể phòng ngừa được ung thư bàng quang. Tuy nhiên có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bị mắc ung thư bằng cách không hút thuốc. Hạn chế tiếp xúc với một số hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, thuốc nhuộm tóc,…
Cần uống nhiều nước làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Ăn nhiều trái cây và rau quả. Tăng cường vận động, tập luyện thể thao để đào thải độc tố. Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ nhất là với độ tuổi từ 40-70 tuổi.
Nhiều trường hợp ung thư bàng quang hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, do đó bệnh nhân nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát ung thư bàng quang và điều trị kịp thời.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại