Thứ hai 25/11/2024 10:26

Đánh giá tác động chính sách còn hình thức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Nội dung chính sách trong một số trường hợp chưa sát thực tiễn, đánh giá tác động chính sách còn mang tính hình thức “ – Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị công tác pháp chế năm 2018 do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, đánh giá tác động chính sách là chủ đề khó, phức tạp, mang tính thời sự, là một trong những nghiệp vụ pháp chế mới, quan trọng mà tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương được giao trách nhiệm là đầu mối thực hiện.

Qua 2 năm theo dõi, Bộ Tư pháp nhận thấy các bộ, ngành, địa phương bước đầu nắm rõ, cơ bản thực hiện được quy trình xây dựng pháp luật, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần tháo gỡ như lập đề nghị xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với thời hạn quy định; hồ sơ lập đề nghị chưa đầy đủ; nội dung chính sách trong một số trường hp chưa sát thực tiễn, đánh giá tác động chính sách còn mang tính hình thức… Những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vai trò tham mưu của tổ chức pháp chế.

danh gia tac dong chinh sach con hinh thuc
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được các đại biểu tham mưu để khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá tác động chính sách

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, việc đánh giá tác động chính sách là bước vô cùng quan trọng để giúp các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn phương án tối ưu nhất giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn quản lý.

“Nhận thức được vai trò của đánh giá tác động chính sách đối với xã hội là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc xây dựng và duy trì một môi trường pháp lý có chất lượng mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều quan tâm và ưu tiên thực hiện. Việc đánh giá tác động chính sách cần dự báo được khả năng tác động của chính sách về các mặt kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng thông tin hiện Bộ đang tiến hành xây dựng Bộ tài liệu về quy trình đánh giá tác động chính sách về xã hội. Trên cơ sở đó dần hoàn thiện việc đánh giá tác động của chính sách có hiệu quả và khả thi. Tránh việc phát sinh “sự cố” đáng tiếc như Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội trước đây.

Xoay quanh chủ đề “Đánh giá tác động chính sách trong xây dựng pháp luật”, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá tác động chính sách như: Thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, đánh giá độc lập đối với chính sách, dự thảo văn bản để đối chứng với cơ quan chủ trì soạn thảo; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để tạo sự đồng thuận của nhân dân; nâng cao vai trò của cơ quan thẩm định; quan tâm hơn đến nguồn lực hỗ trợ cho công tác làm chính sách…

Nguyên An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động