Đàn ông cũng là nạn nhân của định kiến giới!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với những góc nhìn đa chiều, đầy sáng tạo, sự kiện “Adam thời mới” do ba mạng lưới của các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì bình đẳng giới (Dovipnet, Gencomnet, NEW) tổ chức với sự tài trợ của Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam đã diễn ra hôm qua (25-6). “Adam thời mới” đã phản ánh một thực tế ít người quan tâm rằng, không riêng phụ nữ, mà nam giới cũng khá “khổ sở” với định kiến phải là “trụ cột, mạnh mẽ, quyết đoán, hào phóng”…
“Ước mơ 10 năm của chàng trai 21 tuổi” kể về quyết tâm thực hiện đam mê được học và biểu diễn ballet của một chàng trai sinh ra trong một gia đình thuần nông ở quê lúa Thái Bình. Từ năm 9 tuổi, chàng trai nọ đã mê múa ballet nhưng trước sự ngăn cản của gia đình vì “con trai học múa thì như pê-đê”, sự chế nhạo của bạn bè… chàng trai đã phải thi vào ĐH Khoa học tự nhiên.
Để xóa bỏ định kiến giới, đàn ông phải là chủ lực đấu tranh cho bình đẳng giới.
Ba nữ sinh viên đến từ ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – tác giả của clip nói trên đã khẳng định, ai cũng có đam mê nhưng không phải phải ai cũng dễ dàng thực hiện được đam mê ấy, dù là nam hay nữ.
Câu chuyện “bình thường” trong nhiều gia đình mà hai sinh viên Trịnh Thái Hải Phong và Nguyễn Diệu Thúy (ĐH Xây dựng) gửi đến qua clip “Lặng”, lại thúc giục mọi người hãy dũng cảm hành động, “đừng để định kiến giới phá hủy đam mê và hạnh phúc của bạn”. Nhóm Ami lại truyền thông điệp “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chia sẻ công việc gia đình với người phụ nữ của mình” qua tác phẩm “Gương”. Cả “Lặng” và “Gương” đều phản ánh chân thực cuộc sống thường ngày của nhiều gia đình với “mặc định” phụ nữ gắn chặt với công việc bếp núc, nhà cửa. Còn đàn ông là trụ cột, chỉ làm việc lớn, nếu làm việc nhà thì mất đi “nam tính”… Thậm chí, có người chồng trẻ rất muốn làm đỡ vợ việc nhà, nhưng lại bị bố mẹ chửi mắng, cho là làm mất “gia phong”.
Từ góc nhìn rất “trẻ”, tác phẩm “Nam giới – bình đẳng giới và những góc quay đa chiều” cho thấy bình đẳng giới dù đã được “đấu tranh” nhiều năm, nhưng hiện vẫn tồn tại nhiều định kiến giới: Con gái không được “cọc đi tìm trâu”, phụ nữ phải lo việc nhà, không cần học nhiều vì việc xã hội đã có nam giới lo… Bên cạnh đó, lại tồn tại những hiểu biết về bình đẳng giới kiểu “máy móc” như vợ phải biết sửa quạt, chồng phải lo cơm nước, đón con…
PGS.TS.Lê Thị Quý (mạng NEW) khẳng định, cả nam và nữ đều là nạn nhân của bất bình đẳng giới. Theo bà Quý, chiến lược hiệu quả để giành được bình đẳng giới trong xã hội ngày nay là “phải thay đổi bằng việc giải phóng, thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngay từ nam giới”. Còn với cái nhìn của người nhiều năm “cô đơn” trong nghiên cứu về bình đẳng giới, và cũng từng phải vượt qua nhiều định kiến để thực hiện ước mơ của mình, GS.Vũ Mạnh Lợi (Viện Khoa học xã hội) cho rằng, chính sự cảm thông sẽ tạo sức mạnh cho cuộc đấu tranh để có bình đẳng giới với cả nam và nữ.
Dù đấu tranh vì bình đẳng giới vẫn luôn “ưu ái” cho nữ giới, song vấn đề “gai góc” nhất trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới lại bắt nguồn từ chính nữ giới. PSG.TS.Lê Thị Quý cho rằng, “chính phụ nữ là nạn nhân của định kiến giới và “không ngừng” củng cố những định kiến này qua các thế hệ”. Chính phụ nữ lại đang níu kéo những giá trị bất lợi cho vị thế của mình. Ví dụ, theo một nghiên cứu của Viện iSEE, đa số phụ nữ mong chồng kiếm được nhiều tiền hơn; phụ nữ ít bất bình hơn khi thấy đa số lãnh đạo là nam; nhiều phụ nữ hơn nam giới muốn lãnh đạo của mình là đàn ông; chính người mẹ giáo dục con gái phải đảm đang, chịu nhẫn nhịn với chồng và gia đình chồng; mẹ chồng khắt khe hơn với con dâu…
Cho rằng nhiều giải pháp khác nhau đã được thực hiện để mong đạt được bình đẳng giới, nhưng dường như chưa thực sự mang lại hiệu quả do các nguyên nhân về kinh tế, xã hội và đặc biệt là định kiến giới, PGS.TS.Lê Thị Quý nhìn nhận những chuẩn mực về giới trong xã hội qua nhiều thế hệ đã “bám rễ” vào nhận thức, nên nếu không bị “quật” lên, thay đổi thì đấu tranh bình đẳng giới sẽ khó có kết quả.
Còn dưới góc nhìn của thế hệ 9X qua “Adam thời mới” thì nam giới cũng chính là nạn nhân, và truyền thông để họ “cảm nhận từ nỗi đau của chính mình” để trở thành “chủ lực” đấu tranh cho bình đẳng giới.
Phương Thảo
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại