Đảm bảo công tác phòng chống dịch, tạo điều kiện cho các cơ sở mầm non mở cửa trở lại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột tiết học tiếng Anh của học sinh Trường Mầm non Dongsim Kindergarten |
Khắc phục khó khăn, đảm bảo cơ sở vật chất, công tác phòng chống dịch
Để đón học sinh quay trở lại trường, các cơ sở mầm non trên địa bàn TP Hà Nội đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồng thời tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường học. Các giáo viên cũng được tập huấn kỹ lưỡng quy trình xử lý liên quan đến dịch.
Trường Mầm non Sao Việt (Long Biên) sáng nay chỉ đón khoảng 50 học sinh (25% tổng số học sinh của trường trước đây) nhưng nhà trường vẫn chuẩn bị chu đáo công tác đón học sinh. Trước đó, nhà trường cũng đã rà soát, sửa chữa cũng như mua mới trang thiết bị học tập, sơn sửa trường lớp.
"Hôm nay nhà trường đón khoảng 50 học sinh, chia vào 5 lớp. Mỗi lớp sẽ có 2 - 3 cô phụ trách, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch. Vì trẻ mầm non vẫn còn bé nên các cô sẽ sát sao, đôn đốc các con rửa tay, sát khuẩn,…Trường cũng có nhân viên y tế trực xuyên suốt thời gian học sinh đến trường. Các giáo viên của trường đều đã được tập huấn kỹ quy trình xử lý khi có học sinh nghi nhiễm”, bà Lê Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Việt cho biết.
Theo bà Hà, các cơ sở mầm non được mở cửa không chỉ giúp học sinh được đến trường vui chơi, học tập, giúp phụ huynh yên tâm công tác mà còn giúp các cơ sở từng bước phục hồi tài chính, giáo viên có nguồn thu nhập, phát huy được chuyên môn.
Bà Lê Thị Thanh Hà cho biết thêm, 1 năm nghỉ học do dịch, trường chỉ có 1 giáo viên xin chuyển, còn vẫn giữ được số lượng giáo viên như trước, trong đó có 2 cô nghỉ sinh.
"Trong 1 năm qua, nhà trường cũng như các giáo viên đều gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi không có nguồn thu nhưng hàng tháng vẫn phải chi trả 50% tiền thuê mặt bằng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng đóng bảo hiểm cho 21 giáo viên toàn trường để giữ chân họ. Chúng tôi cũng vừa tân trang cơ sở vật chất, mua mới, sửa chữa các trang thiết bị đã hỏng hóc để có môi trường học tập sạch đẹp, đầy đủ, an toàn cho học sinh", bà Hà chia sẻ.
Khó khăn lớn nhất của các cơ sở mầm non dân lập, tư thục khi được mở cửa trở lại chính là nguồn nhân lực bị thiếu hụt, tài chính kiệt quệ do vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, sửa chữa,… Nhiều giáo viên chờ đợi quá lâu nên đã lựa chọn nghề khác mới mức lương cao và ổn định hơn. Ở một số nơi, cơ sở mầm non dân lập, tư thục phải cạnh tranh với cả những nhóm lớp tự phát mở ở khu chung cư, dân cư thời gian qua. Nhiều gáo viên cho rằng, việc trở lại trường thời gian này để làm việc là "bấp bênh" vì dịch bệnh diễn biến khó lường.
Học sinh Trường Mầm non Dongsim Kindergarten trong một tiết học võ |
Bà Dương Kim Quyên - GĐ điều hành Cty CP dịch vụ giáo dục Dongsim Việt Nam cho biết Cty có 9 cơ sở mầm non Dongsim Kindergarten trên toàn quốc, trong đó có 3 cơ sở tại Hà Nội. 1 năm nghỉ dịch, các cơ sở mầm non Dongsim Kindergarten không có nguồn thu nhưng vẫn phải tri trả tiền thuê mặt, thuê nhân viên bảo vệ,…
“Chủ mặt bằng giảm cho chúng tôi từ 50-70% tiền thuê. Trước khi mở cửa, chúng tôi phải rà soát kỹ lưỡng cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, y tế để sửa chữa, mua mới vì 1 năm các cơ sở đóng cửa, nhiều vật dụng bị hỏng hóc, không an toàn cho trẻ. Chúng tôi cũng sơn sửa lại trường tạo, cùng với đó, tập trung xây dựng những bài giảng sinh động để hấp dẫn học sinh vì nhiều em còn bỡ ngỡ, chưa quen với việc đi học”, bà Quyên cho hay.
Một trong những khó khăn khi các cơ sở Dongsim Kindergarten mở cửa trở lại là nguồn nhân lực bị thiếu do thời gian qua nhiều giáo viên chuyển nghề, xin chuyển sang trường công. Hiện tại các cơ sở tại Hà Nội thiếu khoảng 30 người. Khi tuyển được, nguồn nhân lực mới sẽ được đào tạo nên sẽ mất thời gian. Dự kiến, thời gian này, 3 cơ sở mầm mon Dongsim Kindergarten sẽ mở khoảng 21 lớp, phân công 2 giáo viên 1 lớp.
Buổi học đầu tiên của các bé tại trường Mầm non Hồng Ngọc (Long Biên) |
Tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi các cơ sở mầm non dân lập, tư thục
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn TP có hơn 500.000 học sinh mầm non, trong đó có khoảng 30% học sinh trường tư thục, dân lập. Sau gần 1 năm trẻ mầm non không đến trường, nhiều cơ sở giáo dục phải dừng hoạt động, thậm chí, có những nơi phải giải thể.
Một khảo sát của Bộ GD&ĐT nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập - cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác cho trẻ mầm non trở lại trường học trực tiếp diễn ra ngày 12/4 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức, theo đại diện phòng GD&ĐT quận Ba Đình thì tỷ lệ trẻ đăng ký đến trường đạt 80%. Nhưng nếu số lượng trẻ đi học đủ trong thời gian tới thì các trường trên địa bàn quận còn thiếu 215 giáo viên. Đến nay quận đã có 9 trường, nhóm lớp giải thể do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bà Trương Thu Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: “Tỷ lệ giáo viên của các nhóm lớp đăng ký đi làm từ ngày 13/4 đạt 63,2%. So với tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường thì trước mắt có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ khó khăn nếu trẻ đến trường đủ trong thời gian tới".
Tại quận Hoàn Kiếm, có khoảng 30 - 40% số giáo viên của các nhóm lớp mầm non đang có nhu cầu xin thôi việc.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều quận nội thành. Trước mắt, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, một số quận đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực cho ngành học này.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP có phương án thi tuyển viên chức để bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng giao Sở GD&ĐT và các địa phương chủ động thông tin về tuyển sinh, tránh việc bị động; hỗ trợ các nhà trường phòng, chống dịch; bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm trường; tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho giáo viên các trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; truyền thông mạnh hơn các văn bản hướng dẫn phòng dịch, điều trị cho trẻ em khi mắc Covid-19.
Về giải pháp khôi phục hoạt động của nhóm trẻ tư thục, ngoài công lập, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị Sở GD&ĐT cần tạo điều kiện thuận lợi, nhất là khi các trường có nhu cầu thành lập mới, tránh rườm rà về thủ tục hành chính.
Để thu hút đội ngũ giáo viên mầm non quay trở lại, đề nghị các trường công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng để họ có điều kiện tiếp cận; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại