Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriển lãm trực tuyến “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại” diễn ra từ ngày 22-8 tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn
Triển lãm gồm 3 chủ đề: “Từ Nhân dân mà ra”; “Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”; “Di sản của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, làm nổi bật dấu ấn, vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975, góp phần làm nên những chiến thắng làm thay đổi cục diện chiến trường, đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
![]() |
Tại Tổng Hành dinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận, luôn kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp cho các hướng tấn công (Ảnh: BTC) |
Với 200 tài liệu, hình ảnh, Triển lãm sẽ tri ân những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc; góp phần khắc họa lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Triển lãm cũng làm nổi bật dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà D67, di tích cách mạng gắn với hoạt động của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng cán bộ chủ chốt trước nhà Quân ủy Trung ương, ngày 30-4-1975 (Ảnh: BTC) |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911/4-10-2013) là người học trò gần gũi, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời binh nghiệp của ông khởi đầu từ năm 1944, với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Thái Nguyên, ngày 16-8, đội Việt Nam Giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về thị xã. Sáng 20-8, đội quân bao vây, tấn công phát xít Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, tại đây đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Khi bài Tiến quân ca vang lên và buổi lễ vừa dứt, một chiếc ô tô tiến sát vào chân kỳ đài. Xe đến đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bên có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau này, trong bài viết “Mồng 2 tháng Chín năm 1945” đăng trong Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2011), Đại tướng viết: “Nắng mùa thu rất đẹp trên Quảng trường Ba Đình, từ giờ phút này đã đi vào lịch sử. Đội danh dự đứng nghiêm trang chung quanh lễ đài mới dựng. Các chiến sĩ Quân giải phóng bữa trước theo Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa, từ Tân Trào tiến về phía Nam “đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch”. Hôm nay, họ đã đứng sát cánh cùng các đội tự vệ của công nhân, thanh niên và lao động thủ đô bảo vệ Chính phủ lâm thời. Sau bao năm bôn ba khắp thế giới, mang án tử hình của đế quốc Pháp, qua mấy chục nhà tù và những ngày dài gối đất nằm sương, Bác đã trở về ra mắt trước một triệu đồng bào. Sự kiện lịch sử này mới hôm nào còn ở trong ước mơ”.
Từ 34 chiến sĩ đầu tiên “từ Nhân dân mà ra”, đội quân đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trải qua những năm tháng “chiến đấu trong vòng vây” của kẻ thù; trưởng thành vượt bậc qua từng trận đánh, từng chiến dịch và đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
![]() |
Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18-12-1974/8-1-1975) (Ảnh: BTC) |
Sau hiệp định Giơnevơ, cùng sự lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, tại Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục chỉ đạo các tư lệnh của các mặt trận và toàn quân, từng bước đánh bại âm mưu về chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp phần tiến hành thắng lợi công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Hình ảnh "Ngày 14-4-1975, tại Tổng Hành dinh (Nhà D67), Bộ Chính trị quyết định đặt tên Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh" trưng bày tại triển lãm (Ảnh: BTC) |
Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự người Anh Peter Macdonald viết: “Từ năm 1944 - 1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Cả cuộc đời ông lấy câu nói “Dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên hết, đặt lợi ích của nước, của dân, của Đảng lên trên hết, là đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc) của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ông khẳng định: “Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”.
![]() |
Ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Quân ủy Trung ương ra bức mật điện số 1574, lệnh cho các đơn vị “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa...Quyết chiến và toàn thắng” (Ảnh: BTC) |
Mới đây, tỉnh Quảng Bình thông báo về việc lùi thời gian tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, theo kế hoạch, lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức quy mô cấp quốc gia tại tỉnh Quảng Bình vào ngày 25-8 tới.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình và các ban, bộ, ngành Trung ương đã xây dựng các kế hoạch hướng đến kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp bao gồm: Tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy; Dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sỹ tỉnh tại thành phố Đồng Hới; Dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quy mô cấp quốc gia; Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam"; Xây dựng phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các hoạt động do tỉnh Quảng Bình tổ chức gồm: Phát động đợt sinh hoạt chính trị học tập tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lập Đề án tôn tạo Khu lưu niệm, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến;
Xây dựng phương án phân kỳ đầu tư Dự án công trình Vườn hoa và Tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thành phố Đồng Hới báo cáo UBND tỉnh; Tổ chức trưng bày sách, báo, tư liệu về thân thế, sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thư viện tỉnh và trưng bày, triển lãm với chủ đề "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Cuộc đời và sự nghiệp".

Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại