Đại tá Nguyễn Bội Giong - Người sống cùng lịch sử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười chiến sĩ Cộng sản gan dạ
Đại tá Nguyễn Bội Giong, SN 1926, ở làng Giáp Tứ, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Gia đình ông nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Ông nội là nhà nho, từng là tri phủ huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây trước đây), sau được triều đình nhà Nguyễn phong làm đốc học, phụ trách hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Cha ông là cụ Nguyễn Trọng Dục - một nhà buôn sắt thép đầu tiên ở Hà Nội, kinh doanh cửa hàng có tiếng tại số 18 phố Lò Rèn.
Gia đình đông con nhưng anh em Đại tá Nguyễn Bội Giong được cho ăn học đến nơi đến chốn. Ông học rất giỏi, thi đỗ vào trường Bưởi, được nhận học bổng bán toàn phần rồi toàn phần của trường. Ông tiết lộ, tên ông có chữ đệm là Bội được thân phụ lấy từ tên đệm của cụ Phan Bội Châu, với mong muốn ông lớn lên sẽ là một người chiến sĩ Cách mạng yêu nước.
Đại tá Nguyễn Bội Giong - Người chiến sĩ kiên trung của Cách mạng Việt Nam. Ảnh: An Nhiên |
Năm 1944, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài toàn phần ở trường Bưởi, ông Nguyễn Bội Giong tham gia Mặt trận Việt Minh cùng toàn quốc kháng chiến, khoác trên mình sứ mệnh cao cả của một người chiến sĩ Cộng sản gan dạ thủy chung với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Mỗi khi kể về cuộc Cách mạng Tháng Tám, trong mắt ông lại ánh lên niềm xúc động và tự hào không kể xiết. Ông luôn ghi nhớ giây phút hạnh phúc khi được chỉ định là chính trị viên của đội tự vệ chiến đấu của làng Giáp Tứ (khu vực Sét, thuộc Thịnh Liệt – Hoàng Mai- Hà Nội). Đồng chí đội trưởng đội tự vệ chiến đấu lúc đó là Nguyễn Quang Huệ và đồng chí đội phó là Trương Đình Chuyên (nay đều đã mất). Đồng chí chủ tịch Uỷ ban Cách mạng lâm thời của làng Giáp Tứ lúc đó là Nguyễn Phúc Ánh cũng đứng trong hàng ngũ đội tự vệ chiến đấu.
Trong thời gian này, ông Nguyễn Bội Giong cùng với một đồng chí 3 lần vào tận khu vực Vạn Phúc (Hà Đông) để chuyển súng về cho đội tự vệ chiến đấu của làng Giáp Tứ tập luyện hàng ngày.
Lần đầu tiên, để vận chuyển phụ tùng súng ống, ông nhét phụ tùng vào túi đựng đàn violon, còn đồng đội của ông đóng giả thành một công tử giàu sang. Đi đến khu vực Ngã Tư Sở thì bị hiến binh Nhật gọi lại kiểm tra. Rất nhanh trí, bạn ông rút điếu thuốc ra hút và mời lính của Nhật. Còn ông làm nhiệm vụ đi cùng, hỗ trợ và quan sát đề phòng tình huống xấu xảy ra.
Lần thứ 2, ông Nguyễn Bội Giong nhét lòng súng vào đòn ống, còn bạn ông đóng vai người nông dân gánh dưa đi bán. Bị kiểm tra, bạn ông để đòn ống xuống đất ngay cạnh gánh dưa rồi lại gần cho hiến binh Nhật kiểm tra.
Lần thứ 3, ông cùng đồng đội cho báng súng lẫn vào rơm rạ để trên xe ba gác bị hiến binh Nhật và cảnh sát chính phủ Trần Trọng Kim gọi lại, ông nhanh trí nói chở rơm đi lợp mái chuồng nuôi heo. Thế là 3 lần vận chuyển súng của ông và đồng đội đều trót lọt.
Ban đầu hoạt động tuyên truyền của Việt Minh ở làng Giáp Tứ quê ông chỉ là những buổi nói chuyện nhỏ, sau mở rộng dần thành những cuộc họp lớn, vừa cổ vũ phong trào Cách mạng, vừa để thử trình độ, lòng nhiệt tình của anh em với Cách mạng. Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp, những hoạt động này diễn ra sôi nổi và dần có quy mô hơn.
Ông kể lại khoảng thời gian ông được giao nhiệm vụ vào nội thành rải truyền đơn, ông đã làm quen với một tên lính Pháp và “gạ” mua được một khẩu súng Sanh-tê-chiên (Saint-étienne). Đồng đội của ông cũng bằng nhiều cách cũng lấy được tổng cộng khoảng 10 khẩu súng.
Ngày 17-8, phân đội tự vệ chiến đấu làng Giáp Tứ tiến về trụ sở xã. Ai có súng thì được đi đầu. Người phụ trách chung lúc đó là đồng chí Minh Đăng - một cán bộ trẻ do thành Bộ Việt Minh Hoàng Diệu cử về tổ chức và lãnh đạo phong trào ở các làng thuộc khu vực Sét.
Sống cùng những trang sử vàng chói lọi
Đại tá Nguyễn Bội Giong nhớ lại trước ngày 19-8, khi ấy ông là chính trị viên khu vực Sét lên tham gia chiếm giữ trại bảo an cùng Nhân dân. Đứng trước nhiều lính bảo an nhưng ông vẫn rất bình tĩnh thuyết phục bảo an binh không bắn vào Nhân dân và ủng hộ mặt trận Việt Minh giành lấy chính quyền.
Họ thấy ông nói thấu tình đạt lý nên đã mở cửa cho phân đội của ông vào trong và thu được hàng trăm khẩu súng. Số súng ấy ngay hôm đó được một đại diện của Tổng Bộ Cách mạng đến tiếp nhận để kịp thời trang bị cho một số đơn vị Tây tiến.
Đêm 1-9, ông không thể ngủ vì niềm vui được bảo vệ kỳ đài cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - người lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam mà trước đó ông chỉ được biết qua những tài liệu bí mật cấp trên cho đọc.
Sáng sớm 2-9, ông Nguyễn Bội Giong cùng phân đội tự vệ chiến đấu làng Giáp Tứ, gồm 21 người với 16 khẩu súng, tập trung tại Chùa Sét từ 3 giờ sáng, mặc quần áo chỉnh tề, đeo vũ khí nghiêm trang. Đến 5 giờ sáng phân đội của ông bắt đầu xuất phát. Cả phân đội đi hàng đôi, đi đều bước di chuyển theo hướng từ khu vực Sét về Quảng trường Ba Đình.
Niềm vui của ông Nguyễn Bội Giong nhân đôi khi suốt chặng đường đi, người người ven đường hô to: “Bà con dẹp đường cho đội giải phóng ở chiến khu về”. Ông Nguyễn Bội Giong cảm thấy tự hào vô cùng. Lúc này, ông tâm niệm một điều rằng mình sẽ một lòng đi theo Cách mạng, sẽ đóng góp cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà Đảng và Bác Hồ lãnh đạo.
Cho đến tận bây giờ, ông vẫn không quên khí thế sục sôi, lời “Xin thề” hảo sảng, dõng dạc của hàng triệu người lính Cách mạng sẵn sằng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Niềm vinh dự lớn lao của Đại tá Nguyễn Bội Giong chính là được xếp trong đội ngũ vũ trang bảo vệ vòng 2, cách kỳ đài Bác đứng khoảng hơn một trăm mét. Trong lòng ông dấy lên một niềm vui sướng và tự hào vô hạn. Hình ảnh Bác Hồ hiện lên trong tâm trí ông thiêng liêng, gần gũi và giản dị vô cùng.
Một câu nói dù không có trong nội dung Tuyên ngôn nhưng đã làm xúc động hàng triệu đồng bào nước Việt khi Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Lúc đó, ông Nguyễn Bội Giong hòa vào biển người tại Quảng trường hô to: “Có, có”.
Ông nhớ mãi hình ảnh hàng triệu đồng bào trùng điệp phía dưới, vừa hô to, vừa nước mắt lưng tròng bởi có lẽ không có một lãnh tụ nào trên thế giới lại gần gũi và giản dị với dân như Bác kính yêu.
Đại tá Nguyễn Bội Giong còn được vinh dự gặp Bác 2 lần. Trong đó có một lần là khi Bác nói chuyện với sinh viên, học sinh ở trường Việt Nam học xá (bây giờ là trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) về chuyện cứu quốc. Lúc đó, ông Nguyễn Bội Giong là bảo vệ đứng gác cách Bác không xa nên từng câu từng chữ Bác nói ông đều ghi tạc trong lòng.
Tháng 5-1947, ông được đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, đến tháng 2-1948, ông được điều động về làm công tác tại phòng Bí thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam, làm việc dưới sự phụ trách trực tiếp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, bí danh là Bế Văn Qúy - trưởng phòng bí thư của Đại tướng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2-1948 đến 6-1951, ông Nguyễn Bội Giong là cán bộ quân sự trong Văn phòng Tổng Chính ủy với công việc hằng ngày là giúp Đại tướng theo dõi tình hình chiến tranh và những hoạt động tác chiến của các đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân trên toàn quốc.
Sau đó, ông chuyển sang làm phái viên tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, làm Bí thư quân sự cho Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Thường xuyên được làm phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu đi cùng các sư đoàn, trung đoàn trong các chiến dịch nên ông Nguyễn Bội Giong không được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tuy nhiên, ông vẫn thường được nhận lệnh do Đại tướng Tổng tư lệnh trực tiếp giao. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ông lại được giao giúp việc về công tác chỉ huy, tham mưu cho Tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp.
Hàng ngày được tiếp xúc với Đại tướng, ông học hỏi được rất nhiều điều về tài trí và tác phong làm việc của người anh cả của Cách mạng Việt Nam. Trong mắt ông Giong, Đại tướng là người gần gũi, giản dị và vô cùng tài giỏi. Đại tướng thường gọi ông là chú Giong, con cái Đại tướng cũng gọi ông như thế.
Đại tướng luôn theo dõi sát sao tình hình chiến trận. Những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày nào, Đại tướng cũng đều lên đài quan sát của bộ chỉ huy chiến dịch ở bản Mường Phăng để quan sát tình hình địch.
Theo Đại tá Nguyễn Bội Giong, ở Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường có một cách làm việc và nghe báo cáo rất đặc biệt. Ông không hạn chế người báo cáo để phát huy cao độ tinh thần quân sự dân chủ trong công tác.
Đại tướng có khi trao đổi với mọi người, khi lại làm việc riêng với từng người. Đại tướng thường đặt ra những câu hỏi rất sâu sát về các vấn đề mà chính người báo cáo nhiều khi cũng không nghĩ tới. Nhờ đó, người báo cáo hiểu tỉ mỉ hơn về các tình huống, công việc cũng đạt hiệu quả cao hơn.
Bức ảnh kỷ niệm Đại tá Nguyễn Bội Giong chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: NVCC |
Vinh dự được sống cùng những trang lịch sử vàng son của dân tộc, được gặp Bác, làm việc cùng những người chiến sĩ Cách mạng kiệt xuất, Đại tá Nguyễn Bội Giong càng thêm trân trọng, biết ơn con đường Cách mạng đã tôi luyện ông trưởng thành, mạnh mẽ, cho ông tuổi thanh xuân đẹp đẽ, sáng ngời ý chí chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước.
Ông luôn ghi nhớ những lời chỉ dạy của Bác, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để sống một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn. Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung Nguyễn Bội Giong vẫn luôn thủy chung, son sắt một lòng với Tổ quốc, với Nhân dân như thế...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại