Đại diện TISCO đề nghị toà xem xét lại tư cách tham gia tố tụng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại toà. |
Tại toà, trả lời các câu hỏi của HĐXX, đại diện của Cty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết, doanh nghiệp đã yêu cầu Tập đoàn luyện kim Trung Quốc MCC triển khai xây dựng dự án theo đúng hợp đồng EPC đã ký.
Căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, TISCO tiếp tục yêu cầu MCC triển khai thực hiện EPC vì MCC còn nhiều vướng mắc, vi phạm theo kết luận.
“Từ ngày 29-3, chúng tôi đã khởi động lại đàm phán để MCC tiếp tục thực hiện dự án chứ chưa chấm dứt hợp đồng” – lời người đại diện TISCO.
Về khoản thiệt hại 830 tỷ đồng, đại diện TISCO thừa nhận, đây là số tiền lãi đã trả cho các ngân hàng nhưng hiện tại, dự án vẫn đang triển khai nên chưa thể biết thiệt hại cuối cùng.
Phía TISCO còn đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của doanh nghiệp này. Đại diện TISCO cho rằng, đang là nguyên đơn dân sự nhưng căn cứ Bộ luật Tố tụng Hình sự thì nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cầu bồi thường.
Đến nay, TISCO chưa có đơn, không có yêu cầu bồi thường. Được hỏi về số tiền 830 tỷ đồng này, đại diện của TISCO trình bày, số tiền lãi thực tế phải căn cứ hợp đồng tín dụng và thời gian đáo hạn vẫn còn. Có nghĩa là TISCO vẫn đang vay thông thường và phải trả lãi.
“TISCO có 65% vốn Nhà nước nên trong số tiền lãi phải trả có cả tiền nhà nước; các thiệt hại khác, cơ quan điều tra đang làm rõ theo quy định. Vậy phía TISCO có chấp nhận con số thiệt hại?” – chủ toạ hỏi, đại diện TISCO cho biết, sẽ trình bày kỹ hơn trong phần tranh luận.
Từ trước đến nay, TISCO được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án gây thất thoát 830 tỷ đồng, xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của chính doanh nghiệp này.
Theo các cơ quan tố tụng, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp, xây dựng) trị giá 160 triệu USD để xây dựng nhà máy luyện phôi thép thuộc dự án mở rộng sản xuất.
EPC là hợp đồng không đổi giá trị nhưng sau đó, MCC yêu cầu tăng giá và được các bị cáo tại TISCO cũng như Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS) chấp thuận. Ngoài ra, các lãnh đạo, cán bộ tại TISCO cũng như VNS còn chọn Tổng Cty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC.
VINAINCON không đủ năng lực thi công nên năm 2011 phải tạm dừng, hoàn trả TISCO các hạng mục chưa hoàn thành. Các hành vi này khiến dự án của TISCO kéo dài thời gian, gây thiệt hại 830 tỷ đồng là tiền lãi TISCO phải trả cho các ngân hàng.
Dự án của TISCO ban đầu có vốn đầu tư 3.834 tỷ đồng cho cả việc khai khoáng và dây chuyền luyện kim. Tuy nhiên, năm 2012, các bị cáo tại TISCO và VNS đề nghị và được chấp thuận tăng tổng mức đầu tư lên tới 8.104 tỷ đồng. Ban đầu, dây chuyền luyện kim dự kiến xây dựng, chuyển giao trong 30 tháng nhưng đến nay, sau gần 14 năm vẫn chưa thể hoàn thành.
Phần xét hỏi trước đó, bị cáo Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng giám đốc TISCO kiêm Trưởng Ban quản lý dự án; Đặng Văn Tập, nguyên Phó Giám đốc thường trực Ban Quản lý dự án và một số bị cáo khác đều thừa nhận tội danh và nội dung cáo trạng truy tố. Các bị cáo đều biết hợp đồng EPC là hợp đồng trọn gói, không được thay đổi giá.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại