Đại biểu quốc hội: Sốc, đau xót vì bệnh nhân bị sốc phản vệ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh), Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội bày tỏ: Tôi rất sốc, đây chắc chắn là sốc phản vệ rồi, nhưng vấn đề tại sao xảy ra sốc. Vấn đề lớn nhất là bị một lúc tới 18 người, 7 người đã chết, chưa từng có.
“Nếu nói sốc do rủi ro thì rất vô lý vì không thể rủi ro mà xảy ra đồng loạt trên từng ấy con người. Không loại trừ khả năng là do nước, hóa chất kháng khuẩn, đường ống có vấn đề. Vì nếu nói do thuốc thì khó có cơ sở vì mỗi người một loại thuốc khác nhau”, bà Lan phân tích.
Theo tôi biết các bệnh viện trong thành phố, kể cả các bệnh viện quận, các bệnh viện trong thành phố cũng đang rà soát hết toàn bộ các quy trình. Không ai muốn rủi ro xảy ra nhưng khi đã xảy ra rồi thì cũng phải xem lại bảo hiểm cho người bệnh bác sĩ thế nào.
Về phía Ủy ban Các vấn đề xã hội, sẽ chờ đợi báo cáo chính thức từ Bộ Y tế. “Đây chắc chắn sẽ là vấn đề sẽ được chất vấn Bộ Y tế. Hôm trước ở đoàn ĐBQH TP.HCM cũng đề nghị chất vấn Bộ y tế về các biện pháp quản lý rủi ro, căn cơ, có kịp thời hay không. Nhưng 7 người chết thì quá đáng tiếc”, đại biểu Phong Lan bày tỏ.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội Hà Nội, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng sự cố y khoa này thực sự là một nỗi đau.
“Là người làm chuyên môn, ngay khi xảy ra sự cố, tôi đã được các đồng chí ở tỉnh Hòa bình gọi điện xin ý kiến tư vấn về mặt chuyên môn. Với tư cách là một cán bộ ngành y tế, tôi phải phát biểu rằng đây là một nỗi đau, một sự cố y qua rất nghiêm trọng, rất đáng phải rút kinh nghiệm”, GS Trí bày tỏ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia đầu ngành đã tích cực vào cuộc, chung tay cứu chữa bệnh nhân, giải quyết sự cố. “Với con mắt y khoa, tôi thấy xử lý rất hợp lý. Tôi mong dư luận, xã hội cộng đồng hết sức bình tĩnh để tháo gỡ… Tôi xin cam đoan không có bác sỹ nào trong quá trình hành nghề của mình mà lại mong muốn có ai đó gặp sự cố. Đây là sự cố thực sự, không phải giấu. Có nguyên nhân là phải phổ biến ngay, để rút kinh nghiệm, để đề phòng. Tôi tin lãnh đạo tỉnh, Bộ cũng sẽ nghĩ như thế, tôi ủng hộ tinh thần đó.”
Trao đổi qua điện thoại, đại biểu quốc hội Bùi Thu Hằng (đoàn Hòa Bình) Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình cho biết: Hiện tại, có 7 bệnh nhân tử vong và 1 bệnh nhân rất nặng có thể khó qua khỏi. Bệnh nhân này đang được điều trị tích cực, lọc máu liên tục. Còn lại 10 bệnh nhân đã chuyển về Bạch Mai trong đêm, còn 126 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, hôm nay đến kỳ lọc máu của hơn 60 bệnh nhân.
Sáng nay, các bệnh nhân đã được chuyển về viện Thận và Bạch Mai. Hướng là dừng hoạt động của khoa đó để điều tra tìm nguyên nhân chính xác, họp hội đồng chuyên môn. Các bệnh nhân chạy thận ở tỉnh, chúng tôi sẽ đưa hàng ngày xuống Hà Nội chạy thận bao giờ tìm được nguyên nhân, khắc phục xong mới tiếp tục hoạt động của khoa này.
“Chúng tôi cũng đã có hỗ trợ bước đầu cho các bệnh nhân tử vong, bệnh nhân điều trị. Đây là điều không ai muốn và chưa từng có, chúng tôi vô cùng đau xót. Có những bệnh đã 10 chạy thận ở khoa, họ như người nhà của y, bác sỹ tại khoa. Thực sự các bác sỹ cũng đang khá hoang mang. Họ đã chạy thận, điều trị cho hàng nghìn ca rồi. Chiều nay, chúng tôi sẽ rà soát, nếu có sai thì sẽ xử lý”, bà Hằng chia sẻ.
Vân Hà / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại