Cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh đánh trọng tài có thể bị xử lý nghiêm khắc?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh đánh trọng tài bị CQCA bắt giữ (Ảnh: CACC) |
Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh vừa bắt khẩn cấp cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh (SN 1984, ngụ tỉnh Thanh Hóa) để điều tra, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng. Động thái của cơ quan điều tra diễn ra sau khi Lê Sỹ Mạnh có hành vi đánh trọng tài trong trận đấu bóng đá tại một giải phong trào có tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Theo cơ quan Công an, hành vi của cựu tuyển thủ gây phẫn nộ cho khán giả và người dân.
Theo điều tra, ngày 22/12/2024, tại một giải bóng đá phong trào đang diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, Mạnh bị trọng tài Phạm Văn Nguyên rút thẻ vàng cảnh cáo vì cho rằng anh có hành vi cố tình va chạm với đối phương trong khu cấm địa của đối thủ. Sau khi nhận thẻ vàng đầu tiên từ phía trọng tài, Lê Sỹ Mạnh đưa tay chạm vào mặt trọng tài Phạm Văn Nguyên. Vì hành vi trên, Mạnh nhận thẻ vàng thứ hai từ trọng tài, đồng nghĩa với việc bị truất quyền thi đấu. Ngay lập tức, anh lao vào đá và đấm trọng tài.
Sự việc diễn biến bất ngờ khiến trọng tài Phạm Văn Nguyên không tránh được đòn. Sau đó, các đồng đội phải lao vào sân can ngăn Lê Sỹ Mạnh, không để cho anh tiếp tục tấn công trọng tài. Sau đó, Lê Sỹ Mạnh có lời xin lỗi trên trang cá nhân.
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, nơi công cộng là nơi sinh hoạt chung của nhiều người, trong đó có sân bóng đá. Ở nơi công cộng, mọi người đều được đảm bảo các quyền tự do, các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, trong đó có được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm.
Hành vi đánh nhau hoặc đánh người nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi đánh nhau hoặc đánh người nơi công cộng mà chưa gây ra thương tích nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người thực hiện hành vi vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 318 Bộ luật Hình sự thực định quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm... sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, hành vi đánh người nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này được lan truyền trên không gian mạng gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, đe dọa đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, danh dự nhân phẩm của nạn nhân.
Vì vậy, với hành vi này, cơ quan điều tra bắt giữ cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318, Bộ luật Hình sự là có căn cứ. Trường hợp bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Lê Sỹ Mạnh, SN 1984 ở Thanh Hóa, là cựu tuyển thủ Việt Nam, từng lên tuyển năm 2009 - 2010 thời huấn luyện viên Henrique Calisto. Anh thi đấu nhiều câu lạc bộ như Hà Nội T&T, Vissai Ninh Bình, FLC Thanh Hóa, Quảng Nam, Xuân Thành Sài Gòn, Hải Phòng trước khi giải nghệ. Lê Sỹ Mạnh được nhớ đến trong vụ việc rượt đuổi đánh thủ thành Việt kiều Đặng Văn Lâm năm 2017 ở Hải Phòng. Anh bị thanh lý hợp đồng huấn luyện và chuyển sang chơi phong trào. |
Chuyện cầu thủ đánh trọng tài | |
Cựu tuyển thủ karatedo hại đời nữ sinh viên từng có tiền án về tội cướp giật tài sản |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại