Chế tài đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐối tượng Nguyễn Đức Tính bị bắt giữ vì làm giả con dấu, tài liệu tại cơ quan công an. Ảnh: CACC |
Lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Tính (SN 1987, trú tỉnh Đồng Nai) về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trước đó, Công an thị xã Thái Hòa phát hiện đường dây làm giả con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nên đã xác lập chuyên án để điều tra. Đường dây này được tổ chức rất chặt chẽ với sự tham gia của nhiều đối tượng; có vai trò cụ thể, từ người cầm đầu, sản xuất đến các cộng tác viên phụ trách quảng cáo và giao dịch.
Nhóm đối tượng lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội để quảng bá dịch vụ làm giả giấy tờ và mở rộng mạng lưới khách hàng. Các đối tượng cam kết thực hiện nhanh chóng, bảo mật và thu hút sự tham gia của nhiều cộng tác viên trên cả nước, tạo thành một hệ thống “chân rết” rộng khắp.
Giấy tờ giả và công cụ làm giấy tờ giả bị thu giữ. Ảnh: CACC |
Vào cuộc điều tra, công an xác định đối tượng cầm đầu là Nguyễn Đức Tính. Tính là người giữ vai trò trực tiếp sản xuất, phân phối, điều hành đường dây. Ngày 15/12/2024, Công an thị xã Thái Hòa đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Tính. Khám xét khẩn cấp nơi tạm trú của Tính tại TP Biên Hòa, công an thu giữ hàng trăm tài liệu giả, gồm: bằng đại học, các loại chứng chỉ, thẻ nhà báo, giấy đăng kiểm phương tiện, căn cước, tem kiểm định... cùng nhiều tang vật liên quan.
Mở rộng điều tra, công an bắt giữ thêm 2 đối tượng gồm Hoàng Thanh Tuyền (SN 1996, trú tỉnh Nam Định) và Nguyễn Tuấn Thông (SN 1997, trú tỉnh Gia Lai) giữ vai trò tích cực trong đường dây này. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm này đã làm giả hàng nghìn giấy tờ, tài liệu các loại cho khách hàng trên khắp cả nước. Mỗi giấy tờ, tài liệu làm giả, đối tượng thu từ 3 - 5 triệu đồng. Các giấy tờ, tài liệu giả được các khách hàng đặt mua với mục đích để đi xin việc, hợp thức hóa bằng cấp, hồ sơ… Đặc biệt, các đối tượng còn làm giả giấy triệu tập của ngành công an để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Chuyên án đang được tiếp tục mở rộng để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Mức chế tài đối với hành vi làm giấy tờ làm giả giấy tờ
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với hành vi làm giấy tờ làm giả bằng đại học, thẻ nhà báo, căn cước, giấy đăng ký xe, tem kiểm định, giấy triệu tập của ngành công an… thì việc Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam các đối tượng về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức là có cơ sở.
Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” được pháp luật quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: (i) làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; (ii) sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; (iii) thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.
Như vậy, việc sử dụng bằng đại học, thẻ nhà báo, căn cước, giấy đăng ký xe, tem kiểm định, giấy triệu tập của ngành công an… giả đều được pháp luật quy định rõ ràng và có những khung hình phạt tương xứng với từng hành vi. Việc các đối tượng bất chấp luật pháp làm bằng đại học, thẻ nhà báo, căn cước, giấy đăng ký xe, tem kiểm định, giấy triệu tập của ngành công an… giả là hành vi vi phạp pháp luật và gây nguy hại cho xã hội.
Bên cạnh đó, luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, hành vi sử dụng bằng đại học, thẻ nhà báo, căn cước, giấy đăng ký xe, tem kiểm định, giấy triệu tập của ngành công an… giả nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác còn có thể bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Như vậy, theo luật sư Đinh Thị Nguyên, người phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có thể bị xử phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại