Cứu sống thiếu nữ 17 tuổi làm điều dại dột với 100 viên thuốc hạ huyết áp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa: Pixabay |
Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện nôn và đau bụng dữ dội, khó thở, da tái lạnh, huyết áp tụt xuống 60/40 mmHg, chức năng tim suy giảm nghiêm trọng. Mặc dù được bù dịch và sử dụng thuốc co mạch liều cao, tình trạng của bệnh nhân vẫn không cải thiện đáng kể.
Ban đầu, các bác sĩ gặp khó khăn trong chẩn đoán do thông tin từ gia đình cho biết bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý và chỉ bị sốt, đau đầu trong hai ngày qua. Tuy nhiên, sau khi loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác và thông qua việc động viên tâm lý, bệnh nhân đã thú nhận về việc uống 100 viên Amlodipin 5mg (thuốc điều trị tăng huyết áp) với ý định tự tử.
Ngay lập tức, đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc đã áp dụng phác đồ điều trị ngộ độc thuốc chẹn kênh canxi. Sau hai ngày điều trị tích cực, huyết áp của bệnh nhân đã được cải thiện và chức năng tim tăng dần. Tuy nhiên, tác dụng giãn mạch của thuốc đã gây ra tình trạng tràn dịch đa màng kèm theo suy tim cấp làm tình trạng suy hô hấp nặng hơn.
Bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập và được chọc dẫn lưu dịch màng phổi. May mắn, sau 10 ngày được các y bác sĩ tận tình chăm sóc và cứu chữa, bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe và được ra viện.
ThS.BS Đỗ Minh Thái – Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Amlodipin là thuốc được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Loại thuốc này khi sử dụng quá liều sẽ gây tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút… Bệnh nhân trên cùng lúc sử dụng một lượng lớn thuốc Amlodipin (tổng liều lượng 500mg) gây suy tuần hoàn nặng và nguy cơ tử vong cao.
BS Đỗ Minh Thái đánh giá: đây là ca bệnh khó vì bệnh nhân còn ít tuổi, không có liên quan đến sử dụng thuốc huyết áp. Đặc biệt, triệu chứng sốt, đau đầu và dùng thuốc cảm cúm tại nhà trước đó đã đánh lừa các bác sĩ theo một hướng chẩn đoán khác.
“Khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc cũng đã từng cứu sống nhiều trường hợp vị thành niên tự tử bằng thuốc. Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh nhân không qua khỏi hoặc để lại di chứng nặng nề, trở thành gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội" - BS Đỗ Minh Thái chia sẻ.
Tuổi mới lớn tâm lý chưa ổn định dễ bị mất kiểm soát hành vi khi gặp áp lực học đường, bạn bè, gia đình và áp lực cuộc sống xã hội. Vì thế, BS Đỗ Minh Thái khuyến cáo: gia đình, thầy cô giáo, người thân cần quan tâm, gần gũi và dành nhiều thời gian cho con em mình để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp các em vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn.
Phối hợp nhịp nhàng, cứu sống người bệnh trong gang tấc | |
Thiếu niên 15 tuổi suýt mất "cậu nhỏ" vì tò mò |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại