Thứ ba 26/11/2024 11:02

Cứu người nhưng bị kiện ngược: Làm sao để vừa lý, vừa tình, vừa không bị vô cảm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ câu chuyện hai vợ chồng lái xe tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh sau khi cứu giúp người gặp tai nạn trên đường bị gia đình nạn nhân tố cáo là người gây ra tai nạn...
Cứu người nhưng bị kiện ngược: Làm sao để vừa lý, vừa tình, vừa không bị vô cảm?
Điều đầu tiên cần làm khi thấy một vụ tai nạn giao thông là gọi ngay cấp cứu 115, việc sơ cấp cứu kịp thời cho người bị nạn là rất quan trọng. Sau đó, gọi điện báo công an qua số điện thoại 113 và hô hoán người xung quanh giúp đỡ.

Từ câu chuyện, nhiều ý kiến bàn luận cũng chia sẻ về việc cứu giúp người bị nạn nhưng bị hiểu lầm là người gây ra tai nạn, vạ lây. Từ đó, không ít người trở nên “ngại” giúp đỡ người khác. Câu chuyện này đặt ra một câu hỏi rất nhiều nghĩ ngợi: Vậy chẳng lẽ, để “yên thân” chúng ta phải chọn “vô cảm” khi người khác cần cứu giúp?

Cứu người nhưng bị kiện ngược

Ngày 17/6, chị N.T.V.A (SN 1992, trú tại huyện Vân Đồn, Quảng Nnh) và chồng chị là anh N.V.C (SN 1988) điều khiển xe bán tải BKS 14C-104.18 đi trên đường bao biển đoạn xã Hạ Long, huyện Vân Đồn gặp người đàn ông ra tín hiệu dừng xe.

Lúc này, tại khu vực trên có vụ tai nạn giao thông nên mọi người nhờ xe của chị N.T.V.A để đưa nạn nhân tới bệnh viện.

Nạn nhân là bà P.T.T (SN 1965, trú tại huyện Vân Đồn) bị chấn thương sau cú tông của xe ô tô. Sau khi đưa nạn nhân vào phòng cấp cứu của bệnh viện, vợ chồng chị N.T.V.A ra về. Theo lời chị N.T.V.A, ít ngày sau đó người nhà nạn nhân tố cáo chính vợ chồng chị là người gây ra tai nạn.

Sau đó, lãnh đạo Đội CSGT-Trật tự, Công an huyện Vân Đồn thông tin, qua thu thập bằng chứng và hệ thống camera cho thấy vợ chồng chị N.T.V.A không phải là người gây tai nạn mà chỉ là người giúp đỡ, đưa nạn nhân tới bệnh viện.

Khi có kết quả điều tra, nhiều người cho rằng, gia đình chị V.A có thể kiến nghị cơ quan chức năng xử lý người viết đơn kiện sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thời gian của vợ chồng chị. Việc này cũng một phần là để những người bị TNGT hoặc người thân bị TNGT khi quyết định khiếu nại ai đó cần suy nghĩ, tìm hiểu kỹ càng.

Sự việc của gia đình chị V.A đã làm nổ ra tranh cãi, về việc có nên cứu giúp người bị nạn hay không, nhất là đây không phải trường hợp hi hữu, nhiều bình luận cũng kể câu chuyện rằng: Bản thân tham gia cứu người bị nạn, nhưng cả họ hàng, người thân của người bị nạn, bất chấp đầu đuôi câu chuyện đã lao vào đánh người đã cứu giúp người nhà mình.

Cứu người nhưng bị kiện ngược: Làm sao để vừa lý, vừa tình, vừa không bị vô cảm?
Vợ chồng chị V.A - người bị tố oan làm việc với Đội CSGT - TT, Công an huyện Vân Đồn về những vấn đề liên quan để làm sáng tỏ vụ việc

Không cứu người trong lúc nguy cấp cũng là phạm luật

Tại khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (Điểm a, Khoản 7, Điều 11).

Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị phạt tù. Tại Điều 132 Bộ Luật Hình sự năm 2015 được sử đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Bảo vệ mình, bảo vệ người và không lựa chọn vô cảm

Có nhiều câu hỏi đặt ra sau sự việc này rằng: Vậy gặp người bị nạn, lặng lẽ chọn bỏ qua, hay vô cảm coi như không biết, hay vẫn cứu giúp để bị hiểu lầm.

Có không ít ý kiến cho rằng: Lựa chọn bỏ qua chính là lựa chọn sự vô cảm, vừa vi phạm pháp luật lại vừa áy náy với bản thân.

Vì thế, ý kiến đóng góp từ nhiều bạn đọc, có kinh nghiệm cứu nạn, cứu hộ khuyên rằng:

Gặp tai nạn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc đầu tiên nên làm là gọi cấp cứu 115 (có thể hỏi họ về cách sơ cứu cho người đang gặp nạn) và gọi cảnh sát 113 để báo về sự việc.

Hiện nay, phương tiện quay chụp thông minh nhiều, hầu như ai cũng dùng smartphone nên người tham gia cứu nạn nên dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường lúc đó. Tiếp đó, nên hô hào nhiều người cùng giúp và/hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo thì hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân của họ.

Cứu người nhưng bị kiện ngược: Làm sao để vừa lý, vừa tình, vừa không bị vô cảm?
Nhiều tài xế đã có thêm bài học kinh nghiệm, quay lại các hình ảnh, bằng chứng để có tư liệu trong trường hợp phải làm việc với cơ quan điều tra (Ảnh: OFFB)

Những tư liệu quay hiện trường sẽ làm bằng chứng để hỗ trợ quá trình điều tra sự việc nhanh chóng, tránh khỏi việc bị cơ quan điều tra mời đến tường trình sự việc nhiều lần và cũng như sẽ không bị người thân của người bị nạn hiểu lầm.

Những Những "thiên thần áo xanh" cấp cứu người tai nạn giao thông tại Hà Nội

Dù mưa rét, hay nắng nóng những tài xế này vẫn cần mẫn trên đường sẵn sàng với việc sơ cấp cứu người bị tai ...

Thế Vinh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động