Cuộc trò chuyện lúc 5g sáng của hai ông bố bị trao nhầm con
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênAnh Sơn chia sẻ, hai bên cùng bàn về việc đoàn tụ của các con và mọi chuyện khác sẽ tính sau. Chị H cũng đã gửi các giấy tờ liên quan đến cháu M để anh làm thủ tục cho con nhập học lớp. Như lời ông bố này, chị H đồng ý để trước mắt, M về nhà anh sống cùng với cháu H, cả 2 cùng đi học lớp 1.
Anh Sơn dự tính, ngày 20-7, hai cháu sẽ học lớp kĩ năng 1 tuần, chuẩn bị cho đầu tháng 8 nhập học. Ông bố này nói, nếu M phản ứng, chưa thích nghi, hàng ngày anh sẽ đưa con về nhà chị H ngủ và hôm sau sẽ đón đi học dù hai nhà cách nhau khoảng 10km.
Anh cũng tính đến phương án, có thể để M, H cùng ngủ lại mỗi gia đình 1 tuần. Thời gian đầu chưa quen, vợ anh sẽ cùng cháu H lên nhà chị H ngủ lại. Họ xác định, dù có thời gian kéo dài cũng vẫn kiên trì.
Cháu H vui vẻ khi gặp em trai mình. |
Để đưa ra phương án ban đầu này, anh Sơn đã gọi cho PV để nhờ xin số điện thoại của anh Vũ Đình Khiên, SN 1980, quê Bình Phước. Trường hợp của con gái anh Khiên và hoàn cảnh hai bên tương tự với nhà anh Sơn, chị H.
Trao đổi với PV báo PL&XH, anh Khiên cho hay, năm 2013, vợ anh-chị Nguyễn Thị Thu Trang, sinh cùng phòng với chị Thị L tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Nuôi con khoảng 1 năm thì vợ chồng anh nghi ngờ khi con gái không giống cả bố mẹ. Anh chị người Kinh nhưng bé gái có nước da, màu mắt, kiểu tóc xoăn giống người dân tộc.
Đầu tháng 5-2016, bố của chị Trang bất ngờ thấy chị L bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên báo lại cho các con. Chị Trang và anh Khiên đã đưa đứa con đang nuôi đi xét nghiệm AND. Kết quả cho thấy, cháu không cùng huyết thống. Nhận được khiếu nại của anh Khiên, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã đưa 2 bé gái xét nghiệm ADN thì sự thật sáng tỏ.
Ngày 25-7-2016, sau 3 năm, 2 bé gái được trả về cho bố mẹ ruột. Nhận con ruột, chị L ngất xỉu ngay tại bệnh viện. Ngày đầu về ở với chị L, con ruột của chị sợ hãi, lạ lẫm, ôm cột nhà khóc. Vợ chồng anh Khiên cũng rối vì con mình quấy khóc, hoảng hốt.
“Người lớn còn hụt hẫng nói gì con trẻ. Vì thế, hai gia đình đã ngồi với nhau để bàn cách tháo gỡ. Vất vả nhất là tuần đầu, con gái chỉ khóc ròng, không ăn uống nên bố mẹ phải hết sức động viên” – lời anh Khiên.
Giờ, anh để 2 bé gái sống cùng với mình, cho đi học cùng lớp mầm non. Hai nhà cách nhau 10 km, ngày ở nhà anh, ngày anh chở về nhà chị L. "Khi các con đã quen dần, thì một tuần ở bên này, tuần sau ở bên kia và hiện nay, 2 cháu ở nhà tôi, cuối tuần thì chở đến nhà chị L chơi. Hiện cũng được đến 90% rồi, các con vui vẻ, hòa đồng” – anh Khiên chia sẻ.
Anh Khiên nói, trong cuộc trò chuyện vào lúc 5g sáng nay, anh đã tâm sự những điều này với anh Sơn. Tuần qua, thấy việc xảy ra với gia đình anh Sơn, chị H giống mình quá nên anh theo dõi rất chăm chú thông tin từ các báo và mong được chia sẻ, không ngờ, anh Sơn đã chủ động gọi điện.
Anh Khiên phấn khởi vì giờ có hai cô con gái. |
Về cuộc trò chuyện, anh Sơn cho biết, cả đêm qua mất ngủ nên khi có được số điện thoại từ PV, sáng sớm nay anh đã gọi cho anh Khiên. Trước đó, đọc được thông tin và cách xử lý tình huống của anh Khiên trên báo, anh Sơn thấy hợp tình, lý nên cũng muốn tìm hiểu để có thêm kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc của chính gia đình mình.
Nếu như gia đình anh Khiên chỉ đổi lại tên cho các con thì anh Sơn nói, sẽ khai sinh lại cho con, đổi cả tên và họ cho cháu vì tên M trùng với rất nhiều thành viên khác trong gia đình.
Sang tuần, phía BV và các bên sẽ ngồi lại với nhau để trao đổi, thống nhất. Điều khiến anh Sơn cảm thấy nhẹ nhõm lúc này là sự việc dần được tháo gỡ. Cả gia đình hy vọng vào một cái kết êm thấm, tốt đẹp đang đến rất gần.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại