Trao nhầm trẻ sơ sinh ở huyện Ba Vì, Hà Nội - Kỳ 2: Đâm đơn kiện vì 4 tháng mà vẫn…“loay hoay” để nhận lại con!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrao nhầm trẻ sơ sinh ở huyện Ba Vì, Hà Nội - Kỳ 1: Sự thật bất ngờ sau 6 năm... |
Câu chuyện bỗng chùng xuống khi ông Phùng Văn Phượng, ông nội của cháu Đoàn Nhật M, cất giọng buồn bã: “Nhìn thấy thằng bé mà tôi không nén nổi nước mắt. Nó giống nhà nội như lột, đúng là đứa cháu máu mủ của gia đình”.
Chứng kiến đứa con trai đang sống cùng chị H, nay đây mai đó, chị Hiền quá đỗi xót xa. Đứa con chị rứt ruột đẻ ra vô tư cười giòn, chơi bên cạnh đứa em không cùng huyết thống. Chị chia sẻ, vợ chồng chỉ mong được ôm con, đưa nó về nhà để chăm sóc. Nhưng mọi sự không dễ dàng gì. Bởi, cũng như chị, mẹ của bé H bị sốc và chưa sẵn sàng để làm các thủ tục, trao trả lại con theo quy định.
Viện Khoa học hình sự, Tổng Cục cảnh sát, trả lời kết quả giám định theo trưng cầu của anh Sơn. |
Để chuẩn bị cho cuộc đoàn tụ sau này, vợ chồng anh Sơn dành thời gian qua lại và mời mẹ con chị H sang nhà chơi. Chị H chấp thuận, tạo điều kiện để cháu M có cơ hội tiếp xúc với gia đình mình. Đây cũng là cơ hội để chị níu gần khoảng cách với con đẻ của mình.
“Lạ lắm, khi cả nhà đến thăm 3 mẹ con chị H (vợ chồng chị H sinh thêm một bé trai, năm nay 3 tuổi), cháu H nhìn thấy em đã sà ngay vào, tặng cho đồ chơi. Cháu M cũng tìm đến em trai nô đùa. Đúng là máu mủ dễ tìm đến nhau. Nhìn cảnh đó, ai cũng xúc động, thương chúng nó” - lời anh Sơn.
Sợ hai đứa trẻ tổn thương, người lớn phải giấu những giọt nước mắt. Nhưng thằng bé H hiểu cả, nó ôm chặt lấy cổ ông nói: “Con muốn ở đây với ông, ông đừng đuổi con đi”. Ông Phượng chỉ biết ôm chặt lấy thằng cháu “hụt” vỗ về mà không thể cất thành lời.
Như lời anh Sơn, trong khi gia đình anh xác định được tư tưởng và mong mỏi nhận con thì chị H dường như chưa sẵn sàng. Có lẽ, chăm và nuôi cháu M 6 năm với nhiều vất vả nên lúc này, chị chưa thể trao lại con và đón nhận bé H. Chính điều đó khiến gia đình anh Sơn sốt ruột. Họ nhẫn nại chờ đợi và cố gắng mềm mỏng để người phụ nữ ấy hiểu, chia sẻ.
Ngày nối ngày và đã 4 tháng trôi qua mà sự việc không tiến triển, trong khi, thời gian nhập học lớp 1 cho con trai sắp tới khiến anh Sơn lòng nóng như lửa đốt. “Nếu không sớm được nhận con thì sẽ lỡ dở việc học hành của cả hai đứa trẻ. Điều này còn gây ảnh hưởng tâm lý cho chúng khi bước vào lớp 1, một giai đoạn chuyển cấp đầu đời, quan trọng” - lời ông bố trẻ.
Vì thế, anh Sơn, chị Hiền bất quá phải làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Ba Vì để được xác định cha, mẹ cho con. Trong đơn, anh Sơn trình bày, khoảng 7g10 ngày 1-11-2012, tại khoa Sản, BVĐK huyện Ba Vì, vợ anh sinh con trai.
Cùng ngày, lúc 6g50, chị Vũ Thị H cũng sinh một bé trai. Quá trình đỡ đẻ, làm công tác y tế sau sinh, bác sĩ khoa Sản của BV đã xác định nhầm và giao nhầm con của anh cho chị H. Với kết quả giám định AND mà gia đình trưng cầu thì cháu M đúng là con của anh chị, cháu H là con đẻ của chị H. Do đó, anh Sơn, chị Hiền yêu cầu tòa xác định anh và vợ là cha mẹ đẻ của cháu M,tuyên chị H, anh D trả lại con.
Nguyên đơn cũng đề nghị TAND huyện Ba Vì tuyên hủy Giấy khai sinh của cháu M do UBND xã Phú Sơn cấp để anh chị đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu lại cho cháu M. Ngoài ra, đơn còn đề cập tới việc yêu cầu tòa xem xét việc bồi thường của BV với tổn thất và chi phí thực tế của gia đình trong việc nhầm lẫn này.
Để thụ lý vụ án, tòa đã mời hai bên để tiến hành các thủ tục nhưng chị H thường xuyên vắng mặt. Việc nhờ tòa phân xử thêm khó khăn khi cán bộ tòa án cho anh Sơn hay, chị H đã ly hôn và chị H nuôi cả 2 đứa con. Do đó, để giải quyết được vụ khởi kiện của anh Sơn thì tòa phải xin ý kiến của tòa cấp trên liên quan đến bản án ly hôn của chị H và chồng, phần phán quyết về con chung.
Việc nhận lại đứa con đẻ “quanh co” khiến gia đình anh Sơn mệt mỏi, bế tắc. Vì thế, ông bố này đã phản ánh đến báo PL&XH để được giúp đỡ. Câu chuyện sẽ diễn biến ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ 3.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại